Ngành bán lẻ Việt thích nghi với điều kiện “bình thường mới”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thiết kế Website trọn gói 2,900,000đ

Quảng cáo Google

Quảng cáo Facebook

Chăm sóc Website

Chăm sóc Fanapge

Thiết kế Mobile App

Quảng cáo Tiktok


Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu ứng dụng kỹ thuật số vào hoạt động quản lý và kinh doanh của doanh nghiệp, và lĩnh vực bán lẻ cũng không là ngoại lệ…

Nửa ngày trước khi thực hiện chính sách giãn cách xã hội, hầu như cả Hà Nội nháo nhào. Các bãi xe ở siêu thị lại chật cứng không còn chỗ đậu. Các khu chợ truyền thống lại kín đặc các bác các chị tranh thủ bán mua như thể ngày mai sẽ chẳng còn rau còn thịt. Cô bé hàng tuần vẫn giao rau sạch từ quê cho gia đình tôi kể, chỉ trong 15 phút đã bán sạch 1 triệu đồng tiền rau củ, “mặc dù bó rau bình thường em bán 6 ngàn lúc ấy em chỉ tăng lên có 10 ngàn chứ em không bán 15-20 ngàn như người ta”. Tuy nhiên đó chỉ là lần thứ 2 mà nỗi hoang mang của các bà nội trợ dâng lên đột ngột. Làn sóng đầu tiên có lẽ là ngay sau khi thành phố công bố ca nhiễm Covid-19 mang tên “bệnh nhân số 17”.

Điều đó không chỉ xảy ra ở Việt Nam, tại New York (Mỹ) vào khoảng cuối tháng 3, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 trở nên mất kiểm soát, ngành bán lẻ với rất nhiều tiểu mục và loại mặt hàng bỗng nhiên co cụm lại chỉ còn hai nhóm “thiết yếu” và “không thiết yếu”. Theo như ông Karl Holler, Trưởng nhóm khách hàng bán lẻ thuộc bộ phận Dịch vụ doanh nghiệp của IBM, việc mua sắm tấp nập và vội vã tại những nơi được liệt kê là “thiết yếu” như siêu thị, nhà thuốc, nhu yếu phẩm có cảm giác như Black Friday. Thậm chí rất nhiều siêu thị phải đăng tin tuyển nhân viên thời vụ ngắn hạn để làm các công việc như chuyển hàng vào kho, xếp đồ lên kệ hay thu ngân. Còn tại những gian hàng “không thiết yếu” như thời trang, mỹ phẩm, đồ nội thất… tình hình hoàn toàn ngược lại.

Tại Hà Nội, thị trường bán lẻ cũng có sự xáo trộn rõ nét. Theo quan sát của công ty nghiên cứu thị trường BĐS Savills, các nhà bán lẻ đã vắng khách hơn từ tháng Hai nhưng đến giữa tháng Ba khi ca nhiễm COVID-19 đầu tiên tại Hà Nội được công bố thì lượng khách sụt giảm mạnh mẽ. Nghi ngại lây nhiễm đã dẫn đến việc chính quyền phải quyết định tạm thời dừng các hoạt động của nhà hàng, rạp chiếu phim, khu vui chơi giải trí và trung tâm thể thao. Một cuộc khảo sát khách thuê mặt bằng bán lẻ của Savills gần đây cho thấy 55% có doanh thu giảm trên 50% so với quý trước. Hầu hết các ngành hàng đều đã bị ảnh hưởng tiêu cực; chỉ riêng siêu thị ghi nhận tăng trưởng lên đến 20%.

Ngành bán lẻ Việt thích nghi với điều kiện “bình thường mới”

Ba bước chuyển biến rõ rệt…

Nhìn lại sự thay đổi của thị trường bán lẻ trong thời gian vừa qua, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy 3 bước chuyển biến rõ rệt.

Điều hướng sự gián đoạn – với trọng tâm chính là liên tục kinh doanh, các doanh nghiệp nhanh chóng thiết lập cách thức làm việc mới và giao tiếp với khách hàng. Lượng doanh nghiệp trong ngành ẩm thực tham gia các ứng dụng giao hàng tăng mạnh do đây được coi là một sáng tạo nhằm duy trì hoạt động. Các thương hiệu trung và cao cấp bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng đã nhanh chóng đẩy mạnh dịch vụ giao hàng tận nhà. Các thương hiệu bình dân đối mặt với ít thay đổi hơn do phần lớn đã ưu tiên hoạt động trực tuyến để tiết kiệm chi phí.

Bán lẻ trong giai đoạn tiền “bình thường mới” – chưa bao giờ các hoạt động B2C e-commerce của nhóm hàng không thiết yếu lại trở nên nhộn nhịp như trong thời gian giãn cách vừa qua. Không chỉ trông chờ vào các dịp khuyến mại lớn của các ứng dụng bán hàng qua mạng, trong thời gian phải đóng cửa, các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thuộc nhóm này đã chủ động hơn trong việc ứng dụng kỹ thuật số cho các hoạt động bán hàng, như thông qua các kênh mạng xã hội, mở rộng hợp tác với các ứng dụng online shopping, hoặc nhanh chóng phát triển app riêng cho thương hiệu của mình. Tuy nhiên, các hoạt động kể trên chỉ mang tính tạm thời.

Thích nghi với khái niệm “bình thường mới” – khi chính sách giãn cách được nới lỏng, chúng ta chứng kiến cuộc sống bình thường trở lại, các trung tâm thương mại cũng dần lấy lại được lượt khách ghé mua sắm, đặc biệt vào dịp cuối tuần. Tuy nhiên, những câu hỏi lớn vẫn là: thói quen mua sắm sẽ thay đổi như thế nào; những gì người tiêu dùng sẽ mong đợi từ các cửa hàng và thương hiệu; và để các mô hình hoạt động kinh doanh phát triển mạnh trong môi trường mới, các doanh nghiệp cần bán lẻ cần làm gì?

… và những đề xuất

Theo báo cáo thị trường bán lẻ quý I/2020 của Savills Việt Nam, trong quý I/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tại khu vực Hà Nội đạt khoảng 135,7 nghìn tỷ VNĐ, tăng 2,3% theo năm. Tăng trưởng liên tục suy yếu từ 11,7% trong tháng Một xuống còn 7,6% trong tháng Hai và -3% trong tháng Ba. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,07% theo tháng trong tháng Một, nhưng giảm -0,07% trong tháng Hai và -0,89% trong tháng Ba. Để cuộc sống trở lại trong khi chúng ta vẫn tiếp tục chung sống với Covid-19, dưới đây là một số đề xuất.

Thứ nhất, thích nghi với những thói quen mới. Một nhóm khách hàng truyền thống trước đây sẽ thấy rằng kỹ thuật số là tốt, và đôi khi thậm chí còn tốt hơn. Sự tham gia kỹ thuật số sẽ tăng tốc trên toàn ngành bán lẻ, dẫn tới một loạt các cửa hàng bán lẻ trên phố và thậm chí các trung tâm mua sắm sẽ phải đóng cửa cửa hàng và trung tâm mua sắm. Các chuyên gia của Savills Việt Nam đã nhận định bán lẻ mặt phố trong Q1/2020 đã chứng kiến sự đóng cửa trên diện rộng hơn do các doanh nghiệp nhỏ nhạy cảm hơn với biến động kinh tế. Các thương hiệu có các cửa hàng ở cả trung tâm mua sắm và mặt phố cũng thường ngừng hoạt động các cửa hàng mặt phố trước tiên.

Asian Grocery Market Set for Double-Digit Growth - INDVSTRVS

Đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy thương mại điện tử và tấn công bán lẻ truyền thống. Khảo sát của Savills chỉ ra 28% các nhà bán lẻ đang kết hợp cả hai kênh trực tiếp và trực tuyến và 28% khác chỉ hoạt động trực tuyến. Doanh thu từ thương mại điện tử của nhiều cửa hàng có thể tăng lên đến 30%. Thương mại điện tử được nâng cao nhờ 68% dân số sử dụng internet, tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên 75% vào cuối năm nay, theo báo cáo “Kế hoạch về Phát triển Thương mại Điện tử của Hà Nội năm 2020”.

Thứ hai, công tác tiệt trùng sẽ được ưu tiên. Bên cạnh vệ sinh an toàn thực phẩm, có lẽ sau đại dịch, các cửa hàng ăn uống cũng như các trung tâm thương mại phức hợp sẽ phải đề cao việc diệt khuẩn và tẩy trùng. Khi tâm lý của đa số người tiêu dùng cho rằng sạch đồng nghĩa với an toàn, các nhà bán lẻ sẽ phải tăng cường nỗ lực làm sạch của họ và chủ động chia sẻ thông tin này. Dịch vụ chứng nhận của bên thứ ba sẽ xuất hiện khi người tiêu dùng tự đánh giá và xem xét độ sạch của cửa hàng cũng như của món đồ ẩm thực được giao tới nhà hoặc văn phòng.

Thứ ba, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ sẽ trở thành thói quen mới: Không chỉ còn yêu cầu về việc đóng gói sản phẩm đẹp và sạch, người tiêu dùng sẽ có nhu cầu biết nơi sản phẩm của họ được cung cấp, sản xuất hoặc phát triển; hoặc hồ sơ theo dõi (chất lượng, tính kịp thời, sạch sẽ, an toàn, bền vững) của tất cả cá thể tham gia vào chuỗi cung ứng. Tính minh bạch của mỗi sản phẩm sẽ là một yêu cầu quan trọng.

Thứ tư, khả năng kinh doanh được nhìn nhận lại. Trong và sau đại dịch, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể nhanh chóng tách ra thành những đơn vị phát triển mạnh, những đơn vị kinh doanh vừa đủ để tồn tại và những đơn vị hoàn toàn biến mất. Những đơn vị thành công đi qua đại dịch sẽ tận dụng lợi thế đã có để tìm kiếm những cơ hội khả năng mới nhằm mở rộng kinh doanh hoặc tạo đòn bẩy hoạt động. Ngành ăn uống thể hiện rõ ràng nhất bức tranh này.

Thứ năm, một làn sóng đổi mới. Mỗi suy thoái tạo ra một làn sóng đổi mới để tạo đòn bẩy cho chu kỳ kinh doanh tiếp theo. Một số doanh nghiệp sẽ tập trung vào sự tham gia của người tiêu dùng (ví dụ: các công ty liên kết bán hàng qua video), những doanh nghiệp khác sẽ đầu tư vào chuỗi cung ứng (dự báo tích hợp nhu cầu tích với bán hàng và sản xuất), và một số khác sẽ thực sự đẩy nhanh việc quản lý, phân tích và ứng dụng dữ liệu vào hoạt động của doanh nghiệp (phân tích theo thời gian thực bằng giọng nói).

Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu ứng dụng kỹ thuật số vào hoạt động quản lý và kinh doanh của doanh nghiệp. Bức tranh thị trường bán lẻ đã hoàn toàn thay đổi sau khủng hoảng đại dịch toàn cầu, và đây là lúc mà các doanh nghiệp lớn nhỏ trong ngành cần nhìn nhận đúng và nhanh chóng triển khai blockchain, data, bảo mật, đám mây… cho công cuộc chuyển đổi cũng như nắm bắt cơ hội trong thời kỳ “bình thường mới”.

Theo haravan.com

CÔNG TY TNHH HBMEDIA - HBMEDIA CO.,LTD
Trụ sở: 242/8D Bà Hom -Phường 13, Quận 6 - Hồ Chí Minh
VPĐD : 151/67D Liên khu 4-5, Bình Hưng Hòa B, Bình Tân, Tp.HCM
Tư vấn dịch vụ : 0933 576 079
Từ 8h00 – 18h00 các ngày từ thứ 2 đến thứ 7

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *