Cách tận dụng tối đa nguồn lực trong doanh nghiệp

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thiết kế Website trọn gói 2,900,000đ

Quảng cáo Google

Quảng cáo Facebook

Chăm sóc Website

Chăm sóc Fanapge

Thiết kế Mobile App

Quảng cáo Tiktok

Lần cuối bạn tự hỏi tại sao doanh nghiệp của bạn có chỗ đứng nhất định trên thị trường là khi nào? Mỗi tổ chức có những nguồn lực cụ thể của riêng mình, từ con người cho đến các quy trình, tài sản vật chất và hơn thế nữa. Cách các công ty sử dụng nguồn lực để vận hành công việc hàng ngày cũng sẽ là một yếu tố chính dẫn đến thành công. Để có thể xây dựng lợi thế cạnh tranh, các công ty cần đánh giá tiềm năng và hiệu quả của tất cả các nguồn lực mình đang có. Và mô hình VRIO sẽ là một công cụ hữu ích để thực hiện việc phân tích, đánh giá này.

VRIO là gì? 

Mô hình phân tích VRIO được phát triển bởi Jay Barney giúp doanh nghiệp xây dựng “nguồn lực vững chắc và lợi thế cạnh tranh bền vững”. Lúc đầu, Barney sử dụng các thuật ngữ “Value” (Giá trị), “Rareness” (Sự hiếm có), “Inimitability” (Tính độc nhất), và “Substitutability” (Khả năng thay thế), nhưng sau này ông đã thay đổi “Substitutability” thành “Organization” (Tổ chức), dẫn đến từ viết tắt mà chúng ta biết ngày nay: VRIO.

Theo Barney, việc sở hữu các nguồn lực và tài sản có giá trị, hiếm và không thể bắt chước được, đồng thời doanh nghiệp biết tận dụng tối đa những nguồn lực, tài sản đó sẽ góp phần giúp doanh nghiệp thực hiện sứ mệnh của mình một cách hiệu quả nhất. Do đó, mỗi doanh nghiệp cần đảm bảo việc tận dụng tối đa và bảo vệ các nguồn lực của mình.

Xác định những tài sản chính của doanh nghiệp với mô hình VRIO

Trước tiên, hãy dành chút thời gian để tìm hiểu ý nghĩa chính xác của bốn chữ cái V-R-I-O. Sau đó, hãy sắp xếp các tài sản của công ty bạn để xem đâu là những tài sản có thể đáp ứng 4 tiêu chí này dựa vào các câu hỏi tương ứng.

V – Valuable (Có giá trị)

Trong mô hình VRIO, nguồn lực “có giá trị” là nguồn lực giúp mang lại lợi ích tài chính cho công ty bạn. Chúng giúp công ty giảm chi phí, tăng doanh thu, hoặc lý tưởng nhất là giúp công ty đạt được cả hai điều này.

Giá trị của nguồn lực có thể được đo lường bằng nhiều cách. Ví dụ: một tính năng sản phẩm cho phép bạn đưa ra mức giá cao; một quy trình sản xuất hiệu quả; một đội ngũ làm việc năng suất; một thiết kế sản phẩm sáng tạo thu hút người mua; hoặc một hình ảnh thương hiệu nổi tiếng.

Tùy vào từng tình huống cụ thể, các câu hỏi sau đây có thể giúp bạn xác định đâu là nguồn lực mang lại/ có thể mang lại lợi nhuận lớn nhất cho công ty.

  • Công ty bạn có nguồn lực nào giúp cải thiện một quy trình hoạt động quan trọng không?
  • Công ty bạn có nguồn lực nào giúp đáp ứng thị hiếu và mong đợi của khách hàng không?
  • Công ty bạn có thể tiếp cận các nguyên liệu thô có giá trị không? Trong tương lai, công ty có khả năng tiếp cận chúng nữa không, và bằng cách nào?
  • Công ty bạn đã đầu tư vào máy móc, hệ thống công nghệ thông tin hoặc các tài sản vật chất khác cho phép mọi người tạo ra giá trị chưa?
  • Công ty bạn có sản phẩm, dịch vụ hoặc thương hiệu khiến khách hàng trung thành mạnh mẽ không?
  • Những lợi ích mà nguồn lực của công ty mang lại có lớn hơn mức chi phí công ty bỏ ra để duy trì nó không?

*Mẹo: Công ty bạn có thể sở hữu các tài sản có giá trị theo quan niệm chung, nhưng lại không được coi là có giá trị nếu chiếu theo mô hình VRIO bởi chúng không thể quy đổi thành tiền mặt hoặc các giá trị tương đương khác. Một cách khác để phân tích giá trị của tài sản đó là áp dụng mô hình chuỗi giá trị (Porter’s Value Chain).

R- Rare (Hiếm)

Một nguồn lực sẽ được coi là “hiếm” nếu không có ai hoặc rất ít ai có quyền tiếp cận. Một số ví dụ về nguồn lực hiếm có thể bao gồm: một thành viên trong nhóm có chuyên môn, kinh nghiệm hoặc mối quan hệ rộng; một nhà cung cấp độc quyền chỉ hợp tác với công ty của bạn; một sản phẩm hoặc thương hiệu mà khách hàng của bạn đặc biệt trung thành; hoặc một vị trí đắc địa giúp văn phòng hoặc cửa hàng của bạn thu hút được những nhân sự hoặc khách hàng chất lượng cao hơn.

Làm sao để đo độ hiếm của tài sản và đánh giá đúng giá trị của nó? Việc này cũng tùy thuộc vào từng tình huống cụ thể, nhưng những câu hỏi sau đây có thể giúp ích cho bạn:

  • Nguồn lực này sẽ còn đặc biệt hay độc nhất trong bao lâu?
  • Liệu đây có phải là nguồn lực mà đối thủ cạnh tranh của bạn cũng sở hữu/ tiếp cận được không?
  • Liệu đối thủ của bạn có cơ hội tiếp cận nguồn lực này sắp tới đây không?

I – Inimitable (Không thể bắt chước)

Yếu tố thứ 3 này xét đến khía cạnh sâu hơn của yếu tố thứ 2 ở trên (về độ hiếm có), nghĩa là các nguồn lực hiếm có của bạn “không thể bị bắt chước” hoặc sao chép một cách dễ dàng, và có rất ít nguồn lực khác có thể thay thế chúng.

Tính độc nhất này rất khó đánh giá, bởi trên thực tế hầu hết các sản phẩm thành công nhất trên thị trường đều là những sản phẩm được sao chép ở mức độ nào đó. Ai đó có thể lấy ý tưởng của người khác và phát triển nó thành một sản phẩm chất lượng tốt hơn, thuận tiện hơn hoặc chi phí thấp hơn thông qua việc nghiên cứu và nâng cấp. Sản phẩm mới sau đó có tính cạnh tranh hơn và dần thay thế bản gốc.

Bằng sáng chế và bản quyền có thể ngăn chặn việc sao chép trong một vài năm nhất định, và giấy phép có thể đem lại cho bạn quyền truy cập độc quyền vào một nguồn lực nào đó trong một khoảng thời gian. Chính vì vậy, sản phẩm gốc của bạn có thể cung cấp những lợi ích chính cho công ty của bạn vào khoảng thời gian đó. Tuy nhiên, rất có thể bạn sẽ gặp khó khăn trong việc giữ vị trí độc tôn trên thị trường trong một thời gian dài, đặc biệt là khi sự bảo hộ về sở hữu trí tuệ này hết hạn.

Hãy lấy danh sách các nguồn lực có giá trị và hiếm của mình ra và xác định xem chúng có độc nhất hay không. Những câu hỏi sau có thể giúp bạn đưa ra câu trả lời:

  • Các đối thủ cạnh tranh có dễ dàng sao chép hoặc tạo ra nguồn lực giống bạn không?
  • Liệu có nguồn lực thay thế nào khác mà đối thủ có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng không?
  • Nếu có các nguồn lực thay thế, liệu chúng có khả năng đáp ứng nhu cầu khách hàng và khiến họ trung thành tương tự như nguồn lực bạn đang sở hữu không?
  • Liệu những đối thủ mới gia nhập thị trường sau này có khả năng phát triển sản phẩm tốt hơn, giá cả phải chăng hơn để thay thế sản phẩm của bạn không?

O – Organized (Có tổ chức)

Sẽ rất lãng phí nếu những nguồn lực quý giá, hiếm có hoặc không thể bắt chước của bạn không thể phát huy hết tiềm năng của chúng – hoặc theo mô hình VRIO là không được sắp xếp rõ ràng, không có tổ chức.

Vì vậy, hãy tập trung đầu tư vào các hệ thống kiểm soát quản lý nội bộ, quy trình kinh doanh và cả thời gian lẫn năng lượng của mọi người khi khai thác các nguồn lực này để tối đa hóa lợi ích của chúng đối với công ty. Hãy suy nghĩ theo hướng lâu dài, để bạn có thể bảo vệ và cải thiện các nguồn lực chính của mình trong tương lai.

Để xác định liệu bạn đã xây dựng đội nhóm hoặc tổ chức của mình một cách thích hợp để khai thác các nguồn lực quý giá, hiếm có và không thể bắt chước được hay chưa, bạn có thể tự đặt ra những câu hỏi như sau:

  • Đội ngũ nhân viên của bạn có phải là những người đủ năng lực để tối ưu hóa những tài sản, nguồn lực của công ty không?
  • Bạn có thể thu hút và giữ chân người tài ở lại công ty không?
  • Hệ thống quản lý của công ty đã phù hợp chưa? Ví dụ, nếu công ty bạn dựa vào nguồn lực về công nghệ để tạo ra các sản phẩm đột phá, hệ thống quản lý của bạn có khả năng đáp ứng việc tung sản phẩm mới ra thị trường một cách nhanh chóng không?
  • Hệ thống tài chính và website có đủ khả năng hỗ trợ các nguồn lực chính của công ty không?

*Mẹo: Các tài sản và nguồn lực xứng đáng được đầu tư nhất sẽ sở hữu hoặc có khả năng sở hữu cả bốn thuộc tính VRIO.

Doanh nghiệp cần làm gì với những tài sản chính của mình?

Khi bạn đã xác định được các nguồn lực chính của mình, hãy suy nghĩ về những việc cần làm để bảo vệ chúng và để sử dụng chúng tốt hơn.

Ví dụ: bạn có thể xác định một loạt các sản phẩm mà bạn có thể định giá cao vì nó có một nhóm khách hàng trung thành lớn. Bên cạnh đó, hãy luôn sẵn sàng thay đổi để đáp ứng thị hiếu và những mong đợi mới của người tiêu dùng, tránh bất kỳ sự sao chép nào trên thị trường và giúp công ty vận hành một cách đáng tin cậy, an toàn, giữ vững lời hứa với khách hàng.

Những câu hỏi sau có thể giúp bạn xác định việc cần làm:

  • Công ty bạn có đang quan tâm đúng mức đến nguồn lực chính của mình không?
  • Công ty có thể sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, hoặc sử dụng nguồn lực đó để tăng thêm doanh thu không? Nếu có thì bằng cách nào?
  • Làm sao để tăng thêm giá trị, sự hiếm có và tính độc nhất của nguồn lực này trong tương lai?
  • Làm sao để bảo vệ nguồn lực khỏi sự tổn lại, khỏi bị đánh cắp, hoặc để bảo toàn nguyên vẹn giá trị, sự hiếm có và tính độc nhất của nó qua thời gian?
  • Làm sao để tích hợp nguồn lực vào các quy trình hoạt động chung, hoạt động Marketing, quản lý và các hoạt động khác hiệu quả hơn?
  • Công ty bạn có ưu tiên đầu tư vào khâu nghiên cứu và phát triển (R&D), nguyên liệu sản xuất, hoạt động Marketing và Sales cho các sản phẩm sử dụng nguồn lực chính trong tổ chức không?
  • Unique Selling Point (USP) của hoạt động Sales và Marketing trong công ty bạn có đến từ việc sở hữu những sản phẩm và dịch vụ có giá trị đối với khách hàng không?
  • Những năng lực cạnh tranh cốt lõi mà công ty bạn hướng đến có phù hợp với những nguồn lực và tài sản mà công ty sở hữu không?

*Mẹo: Bạn có thể tham khảo thêm mô hình 5 lực lượng cạnh tranh để phân tích và đánh giá nguồn lực của doanh nghiệp cũng như đối thủ trên thị trường.

Tạm kết

Như vậy, theo mô hình VRIO, các tài nguyên có giá trị cao (valuable), hiếm (rare), không thể bắt chước (inimitable) và được sắp xếp một cách hợp lý để sử dụng (organized) sẽ giúp công ty bạn củng cố vị thế trên thị trường nhiều nhất. Khi bạn đã xác định được các nguồn lực chính của mình, hãy suy nghĩ về những việc cần làm để bảo vệ chúng và để sử dụng chúng tốt hơn. Một cách kiểm soát các nguồn lực hiệu quả chính là xây dựng hệ thống dữ liệu nội bộ trong doanh nghiệp, nơi sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan về bức tranh vận hành và kinh doanh trong công ty. Từ đó bạn có thể đưa ra các quyết định mang tính chiến lược, tối ưu được mọi nguồn lực sẵn có, giúp doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển.

CÔNG TY TNHH HBMEDIA - HBMEDIA CO.,LTD
Trụ sở: 242/8D Bà Hom -Phường 13, Quận 6 - Hồ Chí Minh
VPĐD : 151/67D Liên khu 4-5, Bình Hưng Hòa B, Bình Tân, Tp.HCM
Tư vấn dịch vụ : 0933 576 079
Từ 8h00 – 18h00 các ngày từ thứ 2 đến thứ 7

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *