Big Idea trong kế hoạch truyền thông tích hợp

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thiết kế Website trọn gói 2,900,000đ

Quảng cáo Google

Quảng cáo Facebook

Chăm sóc Website

Chăm sóc Fanapge

Thiết kế Mobile App

Quảng cáo Tiktok

Sáng tạo ý tưởng lớn là một trong các bước quan trọng khi lên một kế hoạch truyền thông tích hợp IMC hoàn chỉnh. Một ý tưởng lớn chất lượng tốt là nền tảng cho một thông điệp và các hoạt động truyền thông hiệu quả về sau. Quá trình brainstorm có thể mang lại rất nhiều ý tưởng lớn khác nhau, vậy làm thế nào để marketer có thể đánh giá tiềm năng của chúng?

Nhìn chung, một ý tưởng lớn cần đáp ứng ít nhất 1 trong 7 tiêu chí (có khả năng thay đổi, có thể sở hữu được, đơn giản, độc đáo, có sức hút, có khả năng lan tỏa tự nhiên & xoay quanh cái tôi). Hãy cùng TM tìm hiểu cụ thể hơn các tiêu chí này trong bài viết này nhé.

1. Có khả năng thay đổi

Ý tưởng lớn có thể thay đổi thái độ, niềm tin và hành vi của người tiêu dùng hay không, có mở ra cho họ cách thức nhìn nhận và suy nghĩ về một vấn đề nào đó hay không? Doanh nghiệp có thể tạo ảnh hưởng ở quy mô lớn hay không? Một ý tưởng thật sự tốt có khả năng gây ảnh hưởng tới thị trường (khách hàng hiện tại, khách hàng tiềm năng, đối thủ,…), cũng như bản thân doanh nghiệp. Để làm được điều này, ý tưởng cần phải nắm bắt được những sự thật tâm lý của con người để có thể đưa cho họ những giải pháp phù hợp, thúc đẩy họ thực hiện những hành vi mà thương hiệu mong muốn.

2. Có thể sở hữu được

Một ý tưởng lớn “có thể sở hữu được” là một ý tưởng có mối liên hệ chặt chẽ tới thương hiệu và chỉ mình thương hiệu mà thôi. Do đó, một ý tưởng lớn tốt cần xuất phát từ định vị thương hiệu, trung thành với những đặc trưng, bản sắc của thương hiệu mà không một thương hiệu nào có. Chẳng hạn, ý tưởng như “chúng tôi cung cấp dịch vụ tốt nhất” quá chung chung và rất nhiều thương hiệu muốn khẳng định bản thân như vậy. Trái lại, một ý tưởng như “Dirt is Good” với mục tiêu khuyến khích trẻ học hỏi qua những vết lấm bẩn thì chỉ phù hợp với Omo, nhãn hàng bột giặt đã gắn bó lâu năm với hàng triệu bà mẹ tại nhiều quốc gia trên thế giới.

3. Đơn giản

Ngày nay, người tiêu dùng có quá nhiều sự lựa chọn và quá ít thời gian. Do đó, họ ưa thích những thông tin ngắn gọn, thẳng thắn và dễ hiểu. Một ý tưởng lớn dù có hay đến thế nào cũng sẽ bị người tiêu dùng “quay lưng” nếu nó được truyền tải một cách phức tạp, rườm rà. Những ý tưởng thực sự sáng tạo, ăn sâu vào tâm trí và trái tim của người tiêu dùng luôn ở dạng tối giản nhất của nó và chỉ giữ lại những yếu tố “tinh túy” nhất. Chẳng hạn, những ý tưởng lớn có giá trị xuyên suốt một khoảng thời gian dài như Real Beauty của Dove hay Open Happiness của Coca-cola chỉ được gói gọn trong hai từ mà thôi.

4. Độc đáo

Nhận biết những yếu tố nổi bật, khác biệt, chưa từng có là một phần bản chất của con người. Để giảm tải cho bộ não, chúng ta được “lập trình” để bỏ qua những thông tin tương tự nhau và không có ích lợi gì để dồn toàn bộ sức lực học hỏi những điều mới mẻ, nổi bật mà chúng ta chưa từng tiếp xúc. Do đó, một ý tưởng lớn độc đáo sẽ được não bộ người tiêu dùng coi như một “bài học” mới mà họ cần khám phá. Nếu bản thân ý tưởng không có gì đặc biệt, nhiệm vụ của marketer là khiến nó trở nên khác biệt trong cách diễn đạt, trình bày, minh họa,…

5. Có sức hút

Một ý tưởng lớn thành công có sức hút mạnh mẽ tới người tiêu dùng, khiến họ không thể chối từ mà buộc phải tham gia vào các hoạt động trong chiến dịch, nói tốt về thương hiệu hay “mở hầu bao” mua hàng. Hãy chú ý tới những điều họ thích hay không thích ở nhãn hàng của bạn, những cụm từ, giai điệu, những mẫu quảng cáo hiệu quả nhât. Ngoài ra, hãy thường xuyên cập nhật những trào lưu, chủ đề mà người tiêu dùng mục tiêu đang quan tâm, những vấn đề mà họ gặp phải trong đời sống hàng ngày bởi rốt cục mọi ý tưởng lớn đều xuất phát từ insight – những nhu cầu, mong muốn, ước mơ thầm kín của người tiêu dùng.

6. Có khả năng lan tỏa tự nhiên

Dồn ngân sách cho những kênh hiệu quả nhất để tiếp cận người tiêu dùng là một chiến lược tốt. Thế nhưng, một ý tưởng lớn chỉ thực sự có sức mạnh khi nó đủ sức thuyết phục người tiêu dùng chia sẻ tới bạn bè, đồng nghiệp hay người thân, len lỏi vào tiềm thức và trở thành một phần trong cuộc trò chuyện hàng ngày của họ. Nếu ý tưởng lớn thiếu đi khả năng lan tỏa tự nhiên, marketer sẽ buộc phải phụ thuộc vào ngân sách truyền thông để “nuôi sống” ý tưởng lớn và đây rõ ràng đây không phải là một nước đi lâu bền cho tương lai.

Có thể nói, khả năng lan tỏa tự nhiên là một tiêu chí tổng hợp của một số tiêu chí đã đề cập ở trên. Một ý tưởng lớn độc đáo được trình bày một cách ngắn gọn, đơn giản, phù hợp với tâm lý của người tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội được lan tỏa rộng rãi.

7. Xoay quanh cái tôi

Khám phá thế giới nội tâm và định hình cái tôi là hành trình mà bất kỳ ai đều phải trải qua. Rất nhiều ý tưởng lớn hiệu quả được xây dựng dựa trên hình ảnh về một cá nhân có nhiều điểm tương đồng với người tiêu dùng, hoặc là hình mẫu để họ noi theo. Trong vô số những câu chuyện khác nhau, người tiêu dùng sẽ luôn bị hấp dẫn bởi câu chuyện về chính mình.

Tạm kết

Để lựa chọn một ý tưởng chất lượng tốt, marketer có thể căn cứ vào ít nhất một trong 7 tiêu chí sau: (1) có khả năng thay đổi, (2) có thể sở hữu được, (3) đơn giản, (4) độc đáo, (5) có sức hút, (6) có khả năng lan tỏa tự nhiên và (7) xoay quanh cái tôi. Đóng vai trò nền tảng cho một kế hoạch IMC hoàn chỉnh, ý tưởng lớn tốt sẽ tăng khả năng thành công của các hoạt động thực thi về sau, giảm chi phí và công sức mà doanh nghiệp phải bó ra.

CÔNG TY TNHH HBMEDIA - HBMEDIA CO.,LTD
Trụ sở: 242/8D Bà Hom -Phường 13, Quận 6 - Hồ Chí Minh
VPĐD : 151/67D Liên khu 4-5, Bình Hưng Hòa B, Bình Tân, Tp.HCM
Tư vấn dịch vụ : 0933 576 079
Từ 8h00 – 18h00 các ngày từ thứ 2 đến thứ 7

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *