Nội dung chính
Tác động của COVID-19 đang khiến nhiều công ty trong chuỗi cung ứng phải thay đổi, kể cả những khu vực được cho là ít bị ảnh hưởng nhất là nhà máy sản xuất.
* Quan sát từ khách hàng của mình, ông thấy những thay đổi nào đang diễn ra với chuỗi cung ứng trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Thái Nguyên: Dễ thấy rằng, COVID-19 đã tác động và làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Nó ảnh hưởng và làm thay đổi đến tất cả các chủ thể tham gia vào chuỗi cung ứng này, từ khách hàng, nhà bán lẻ cho đến các nhà máy và các nhà cung cấp.
Về phía khách hàng, họ có xu hướng tích trữ hàng hoá, đẩy nhu cầu hàng hoá tăng lên một cách đáng kể trong ngắn hạn. Họ cũng chuyển thói quen từ mua sắm tại cửa hàng sang mua sắm trên mạng.
Chỉ cần thay đổi ở khâu người tiêu dùng là ảnh hưởng cả dây chuyền.
Sự thay đổi này ảnh hưởng hàng loạt đến chuỗi cung ứng. Đầu tiên và dễ nhận thấy nhất là các nhà bán lẻ, việc quản trị danh mục hàng hoá cũng thay đổi theo, họ mau chóng thiếu hụt các mặt hàng thiết yếu, nhưng lại dư thừa các mặt hàng khác.
Các kênh bán hàng truyền thống qua hệ thống cửa hàng dần dần phải đóng cửa, thay bằng hệ thống bán hàng trực tuyến. Doanh số bán lẻ cũng sụt giảm do tình trạng lockdown hoặc hạn chế đi lại của Chính phủ. Chính những thay đổi trong nhu cầu của khách hàng, càng khiến cho những nhà bán lẻ khó duy trì được hoạt động của họ một cách liên tục như trước kia.
Kế đến là các nhà bán buôn, họ cũng bị thiếu hụt các mặt hàng thiết yếu trong một thời gian ngắn. Bên cạnh đó, với sự phát triển của hệ thống bán hàng trực tuyến, nơi mà hàng hoá được phân phối trực tiếp đến khách hàng, thì sự tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà bán buôn này có nguy cơ bị bỏ qua. Nhìn chung, nhu cầu thị trường cho nhóm các nhà bán buôn cũng bị thay đổi một cách không ổn định, gây khó khăn thêm cho việc lập kế hoạch tồn kho.
Các nhà phân phối là đối tượng tiếp theo, họ cũng đối mặt với nguy cơ bị bỏ qua khi mô hình D2C (Direct to Customer) và DSD (Direct to Store Delivery) trở nên phổ biến trong tình hình dịch. Sự thay đổi mô hình phân phối của cửa hàng truyền thống khiến cho họ gặp khó khăn trong việc giao hàng cho các cửa hàng và nhà bán buôn.
Cuối cùng là về phía các nhà máy, nhóm này cũng có những khó khăn riêng như: không thể đáp ứng đơn hàng kịp thời, do tình trạng đứt gãy và thiếu hụt nguyên vật liệu hoặc nhân công. Hoặc nhà máy thiếu đi năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Sự đứt gãy trong vận tải và hậu cần cũng góp phần tạo thêm khó khăn cho các nhà máy trong việc vận chuyển hàng hoá ra các cảng biển hoặc nhà ga.
Cũng phải nói thêm, các nhà cung cấp nguyên vật liệu cũng không ngoại lệ, bản thân họ cũng bị ảnh hưởng của chuỗi cung ứng, làm gián đoạn việc cung cấp nguyên vật liệu, đẩy họ vào tình trạng thiếu đi một vài nguyên vật liệu. Chỉ việc này cũng đủ làm gián đoạn sản xuất của họ và lâm vào cảnh khó khăn tài chính.
Chúng ta có thể thấy chỉ cần thay đổi ở khâu người tiêu dùng là ảnh hưởng cả dây chuyền.
* Liệu mọi chuyện có thể trở lại bình thường khi nhiều nước Châu Á đã tuyên bố sống chung với COVID-19, thưa ông?
Đó là điều tất cả chúng ta đều mong muốn. Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất các ảnh hưởng trước dịch vẫn có thể tiếp tục trong thời gian dài bởi các yếu tố sau. Đầu tiên là sự xuất hiện các biến thể mới dẫn đến khó dự đoán được thời gian kết thúc đại dịch.
Thứ hai là bức tranh ảm đạm của nền kinh tế thế giới, được cộng hưởng bởi chiến tranh thương mại cũng sẽ tiếp tục tác động xấu đến các doanh nghiệp, dẫn đến kéo dài thêm quá trình phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu. Cũng cần phải nói thêm trong quá trình này, không thể tránh khỏi sự dịch chuyển ở mức quốc gia và tái cấu trúc lại mạng lưới của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cuối cùng là khủng hoảng tín dụng cũng tác động đến các doanh nghiệp, làm chậm trễ hoặc thậm chí huỷ bỏ các kế hoạch đầu tư cũng như cắt giảm chi phí hoạt động. Các ngành kỹ thuật cũng không nằm ngoài chuỗi tác động này. Hoạt động kỹ thuật cũng bị gián đoạn. Doanh nghiệp là những khách hàng sử dụng dịch vụ của các ngành kỹ thuật bị ảnh hưởng, kéo theo ảnh hưởng đến nguồn đầu tư và tài chính. Do đó, các hoạt động phát triển và duy trì kỹ thuật cũng cần được xem xét lại.
* Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp sản xuất cần phải làm gì thưa ông?
Tất cả chúng ta đều mong muốn những dự đoán trên chỉ là dự đoán, nhưng với các chủ doanh nghiệp họ không thể cầu may, họ cần một mô hình mới có thể thích ứng linh hoạt với các biến động không lường trước được.
Thứ nhất là phải uyển chuyển trong vận hành. Doanh nghiệp buộc phải chuyển từ mô hình làm việc tập trung tại văn phòng, sang mô hình làm việc từ xa. Ở đó, nhân viên có thể làm việc bất kỳ đâu, miễn là phù hợp nhất cho mình. Nhân viên công ty cũng không cần phải tiếp xúc trực tiếp với nhau nữa. Các cuộc meeting, báo cáo và liên lạc cũng cần chuyển đổi sang dạng liên lạc số hơn là theo kiểu truyền thống.
Thứ hai, doanh nghiệp cũng cần cân nhắc lại mô hình chuỗi cung ứng truyền thống, thay đổi cách theo dõi và đánh giá theo KPI của chuỗi cung ứng. Theo đó, việc lập kế hoạch cũng cần tích hợp thêm các yếu tố mới bên ngoài có tác động đến doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần thay đổi từ tư duy ổn định hoá chuỗi cung ứng sang tư duy ổn định trong tâm thế sẵn sàng đáp ứng nhanh thay đổi của môi trường. Doanh nghiệp cũng cần đa dạng thêm các nhân tố tham gia chuỗi cung ứng và cân nhắc những phương án thay thế bằng nguồn lực địa phương sẵn có.
Thứ ba là tối ưu chi phí bằng việc việc tích hợp dữ liệu. Ví dụ, trước đây doanh nghiệp phải tốn nhân công làm những việc trùng lặp giữa các bộ phận, tốn thêm các chi phí cơ hội của việc kéo dài thời gian tích hợp dữ liệu. Hoặc việc tối ưu chi phí cũng đến từ việc phân tích dữ liệu hiệu quả. Có đánh giá đúng tình hình thì doanh nghiệp mới có thể đưa ra những hành động tối ưu. Việc tối ưu chi phí còn đến từ việc làm giảm bớt những chi phí bảo hành, bảo trì hệ thống vận hành. Trên đây là những phương án tối ưu chi phí điển hình.
Cuối cùng, doanh nghiệp cũng cần ưu tiên đánh giá lại đối tượng khách hàng của mình như thay đổi phương án tiếp cận khách hàng, đa dạng hoá kênh tiếp cận khách hàng và thực hiện phân tích thị trường. Trong thực tế, tuỳ vào điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia, tuỳ vào tiềm lực của mỗi doanh nghiệp mà độ ưu tiên hoặc trọng số của mỗi nhóm trên sẽ có sự thay đổi. Tuy nhiên đây là những nhóm ưu tiên điển hình nhất.
* Nhưng việc đầu tư ERP tốn rất nhiều chi phí và thời gian, liệu có phải là giải pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay?
Đúng là như vậy và bản thân các giải pháp ERP cũng phải thay đổi để tồn tại trong bối cảnh hiện nay. Cụ thể, các giải pháp ERP phải điều chỉnh đế có chi phí thấp ở mức chấp nhận được để đáp ứng bài toán tối ưu chi phí của cho doanh nghiệp.
Thứ hai là sẵn sàng để dùng. Trong bình thường mới với nhiều thay đổi chóng mặt, doanh nghiệp không thể chờ hàng năm hoặc hàng quý để triển khai một hệ thống ERP. Khi đó, các cơ hội có thể đã không còn nữa.
Thứ ba là phải triển khai nhanh và dễ dàng. Khi đó, doanh nghiệp sẽ không cần tốn quá nhiều nguồn lực như cách triển khai ERP truyền thống. Thứ tư, hệ thống ERP mới phải đáp ứng được đặc thù của doanh nghiệp. Thứ năm, chi phí bảo hành, bảo trì phải thấp. Và cuối cùng, hệ thống phải hoạt động một cách tin cậy.
Đây quả thực là một thách thức lớn, khi yêu cầu này là tỷ lệ nghịch với các tiêu chí trên trong các hệ thống ERP truyền thống. Để đáp ứng một cách hài hoà tất cả các tiêu chí quả thật không dễ dàng. Tuy nhiên, may mắn thay SAP S/4HANA là một trong số ít các giải pháp trên thế giới có thể đáp ứng các tiêu chí này.
* Có vẻ như đây là giải pháp ứng dụng điện toán đám mây, thật ra đây cũng là một phạm trù mà nhiều doanh nghiệp sản xuất đang cân nhắc. Ông có nghĩ đó lại là một rào cản khác?
Chúng tôi cho rằng, một vấn đề quan trọng mà doanh nghiệp cần cân nhắc là chuyển các ứng dụng lên Cloud hay theo cách truyền thống là giữ nguyên tại doanh nghiệp. Vấn đề chuyển lên Cloud nghe có vẻ không liên quan, nhưng trong thực tế nó đã diễn ra ở nhiều doanh nghiệp. Về mặt cần thiết của các ứng dụng Cloud thì cũng không quá khi so sánh rằng một doanh nghiệp hiện đại mà không áp dụng Cloud cũng giống như một doanh nghiệp không có kết nối internet.
Và việc tồn tại của các ứng dụng Cloud ở các doanh nghiệp trong tương lai chắc chắn sẽ là một xu hướng tất yếu trong bình thường mới. Khi mà đến năm 2019 thì tỷ lệ áp dụng ứng dụng Cloud đã đạt 85% ở các tổ chức chỉ trong vòng 6 năm, từ mức 26%.
Một doanh nghiệp hiện đại mà không áp dụng Cloud cũng giống như doanh nghiệp không có kết nối internet.
Thật ra điểm tranh cãi hiện nay là doanh nghiệp tự xây dựng, lưu trữ tại chỗ Cloud (On Premise) hay thuê ngoài dịch vụ Cloud (On Cloud). Và On Cloud đang thắng thế bởi nhiều lý do. Đầu tiên, chi phí đầu tư ban đầu của On Cloud thấp hơn On Premise. Hai là, chi phí vận hành hằng năm, On Cloud sẽ có thể dự tính được, trong khi On Premise sẽ khó dự tính hơn, mặc dù tổng chi phí có thể thấp hơn On Cloud.
Ba là, mức độ mở rộng trong tương lai, On Cloud sẽ có tính mở rộng cao hơn On Premise. Do việc mở rộng On Cloud được đảm trách bởi đội ngũ kỹ thuật chuyên môn, còn On Premise bị giới hạn bởi ngân sách và đội ngũ kỹ thuật nội bộ.
Cuối cùng là chi phí bảo hành bảo trì hệ thống. Rõ ràng On Cloud sẽ thắng áp đảo On Premise ở điểm này. Điều này đặc biệt đúng khi ở những hệ thống ERP trong tương lai sẽ không những đòi hỏi phần mềm mà còn hệ thống phần cứng và hạ tầng đi kèm, với các yêu cầu chuyên môn rất khác nhau mà một doanh nghiệp khó lòng duy trì với một ngân sách giới hạn.
* Xin cảm ơn ông.