Nội dung chính
Mô hình kênh phân phối cửa hàng tiện lợi (CVS) và siêu thị mini (Minimart) đang ngày càng phát triển tại Việt Nam, đồng nghĩa với sức cạnh tranh ngày càng cao giữa các doanh nghiệp. Bởi vậy, muốn gia nhập thành công trên thị trường đầy tiềm năng, các Trade Marketer không thể làm “ngơ” trong việc thấu hiểu hai loại kênh bán hàng này. Bài viết dưới đây sẽ giúp các Marketer hiểu thêm về sự khác biệt của hai mô hình CVS và Minimart.
Hiểu căn bản về hai loại kênh bán hàng: Cửa hàng tiện lợi (CVS) và siêu thị mini (Minimart)
Giống nhau
Hai loại hình CVS và Minimart đều thuộc hệ thống kênh phân phối hiện đại – nơi tập trung nhiều ngành hàng và được quản lý chuyên nghiệp với nhiều chuỗi hệ thống được mở thường xuyên. Chủ kênh thường là những tập đoàn, công ty phân phối lớn, kinh doanh đa dạng nhiều mặt hàng, có chuyên môn và kĩ năng chuyên sâu trong ngành.
Khác nhau
Khách hàng mục tiêu:
Đối với cửa hàng tiện lợi, đối tượng khách hàng là thanh thiếu niên, độ tuổi từ 18-25, thuộc thế hệ trẻ, là sinh viên hoặc dân công sở.
Đối với siêu thị mini, đối tượng khách hàng là những người đã có gia đình, độ tuổi trên 25 trở lên, thường là các phụ nữ nội trợ, có nhiều thời gian đi mua sắm và luôn xem xét, đánh giá giữa nhiều loại sản phẩm.
Mặt hàng kinh doanh:
Cửa hàng tiện lợi: Chính vì đối tượng khách hàng là các thế hệ trẻ, chủ yếu thuộc gen Z hoặc Millennials, có ít thời gian nên các sản phẩm sẽ là các mặt hàng mang tính “tiện lợi” như đồ uống, đồ ăn, sản phẩm tiêu dùng cá nhân (Personal Care) hay tiêu dùng nhanh với mục đích ngắn hạn. Ngoài ra cũng có thể kể đến như các sản phẩm mới nhập (trendy), hàng ngoại luôn là các sản phẩm được ưu tiên…
Siêu thị mini: Khác với cửa hàng tiện lợi, kênh này thường bán các sản phẩm phục vụ cho gia đình, với mục đích tiêu dùng cho tập thể. Hầu hết các siêu thị mini cung cấp những hàng hóa chủ đạo như thực phẩm: thịt cá, rau củ, sữa, hay một số loại hàng hóa gia dụng thiết yếu như chất tẩy rửa, dầu ăn…các sản phẩm thiết yếu cho gia đình.
Địa điểm:
Cửa hàng tiện lợi: Nếu để ý, bạn sẽ thấy rằng các CVS như Circle K, 7-eleven,…sẽ mở tại các địa điểm gần trường đại học, hay tại các nơi tập trung các công ty, có nhiều dân công sở. Mỗi thương hiệu có chiến lược mở rộng hệ thống cửa hàng riêng biệt. Với Circle K có các địa điểm gần trường đại học, mô hình cửa hàng không chỉ phục vụ với mục đích giúp khách hàng có thể mua các sản phẩm mang đi ngay, mà còn để khách hàng có thể sử dụng sản phẩm ngay tại chỗ, bằng việc có thêm các chỗ ngồi, hay các tầng trên. Ministop tập trung trong các căn tin trường học, với chiến lược 1km có một cửa hàng Ministop. B’smart lại tập trung ở các khu dân cư đặc biệt các khu ngoại ô. 7-eleven tập trung trên các tuyến đường khu trung tâm, có nhiều công ty.
Siêu thị mini: Hiện tại trên thị trường có Vinmart+, hay Bách Hoá Xanh…là các thương hiệu xây dựng mô hình kênh bán hàng với quy mô siêu thị mini. Các kênh này thường mở tại các nơi có đông hộ gia đình sinh sống, điển hình như ở các toà nhà chung cư, hay bên cạnh các khu đô thị. Mô hình mở vì thế cũng khác với CVS, chỉ giới hạn trong một không gian nhất định, không phục vụ với mục đích tiêu dùng tại chỗ mà là mang về nhà tiêu dùng. Giờ mở cửa do đó chỉ giao động từ 8h sáng – 10h tối. Chiến lược của Bách Hoá Xanh là mở ở gần chợ, cạnh tranh trực tiếp với chợ. Vinmart là mở gần Coopmart, ở đâu có Coopmart bạn có thể dễ dàng thấy Vinmart.
Chiến lược tại điểm bán của hai loại hình kênh bán hàng: Cửa hàng tiện lợi (CVS) và siêu thị Mini (Minimart)
Xuất phát từ việc đối tượng khách hàng khác nhau, thói quen mua sắm khác nhau, chiến lược tại điểm bán của hai kênh này cũng khác nhau.
Giá (Price):
Vì có ít thời gian, lại muốn mua những sản phẩm có thể tiêu dùng ngay tại chỗ nên khách hàng khi tới cửa hàng tiện lợi sẽ không tập trung quá nhiều vào giá cả của các sản phẩm, thay vào đó, họ lại tập trung vào yếu tố “nhanh, gọn, lẹ” nhiều hơn. Ngược lại, khách hàng tới siêu thị mini chủ yếu là phụ nữ nội trợ, hay người có gia đình, có xu hướng xem xét, đánh giá nhiều loại sản phẩm, do vậy giá cả là một trong yếu tố quan tâm chính của khách hàng. Chính vì sự khác nhau này cho nên giá tại cửa hàng tiện lợi luôn “nhỉnh” hơn giá tại các loại hình kênh bán hàng khác, trong khi các siêu thị mini luôn ưu tiên các mức giá rẻ, tốt đối với người mua.
Khuyến mãi (Promotion):
Cửa hàng tiện lợi: Xuất phát từ Insight của thế hệ trẻ luôn có xu hướng khám phá, tìm tòi những thứ mới lạ, ưa thích công nghệ…Tại cửa hàng tiện lợi, các chương trình khuyến mãi mang nhiều yếu tố sáng tạo, thú vị, tò mò kích thích người mua tham gia. Ví dụ như Circle K có chương trình khuyến mãi mua Coca-cola có cơ hội trúng thưởng vé xem phim tại CGV, hay mua sản phẩm bất kì được hoàn tiền 50% trong ví Momo…
Siêu thị Mini: Bởi Insight của khách hàng tại kênh này luôn có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm giá tốt, rẻ, đi đôi cùng chất lượng nên các chương trình khuyến mãi đều rất kinh điển như: Giảm giá 50%, mua Combo, hay quà tặng kèm…Các chiến lược khuyến mãi này tập trung vào yếu tố giá tốt thay vì mới lạ, thú vị như các cửa hàng tiện lợi.
Trưng bày (Display):
Dựa trên Insight và hành trình mua sắm của khách hàng, ở mỗi loại hình kênh bán hàng lại có những cách trưng bày khác nhau, với từng loại sản phẩm riêng biệt.
Lấy ví dụ: Cùng là chiếc tủ lạnh để các sản phẩm nước khoáng, nước ngọt hay sữa chua…nhưng ở cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini lại trưng bày ở hai vị trí khác nhau.
CVS: Tủ lạnh được để cuối vì nhu cầu chính của người mua khi tới cửa hàng tiện lợi là để mua sản phẩm giải khát (theo khảo sát có tới 70%). Vì vậy để đi đến tủ lạnh, người mua sẽ phải đi qua các quầy kệ khác, lúc này sẽ dễ phát sinh nhu cầu mua các sản phẩm đang được trưng bày trước mắt dù trước đó không có ý định mua. Còn đối với siêu thị mini, tủ lạnh lại được để ở ngay đầu quầy tính tiền. Bởi ngay từ đầu, người mua vào kênh bán hàng này không phải với mục đích mua sản phẩm giải khát, họ chỉ mua khi có nhu cầu tự phát, và khả năng mua hàng cao nhất cho những nhu cầu tự phát đó luôn là lúc chờ tính tiền tại quầy thu ngân. Thêm một lí do khác, khách hàng ở kênh này thường có trẻ nhỏ đi cùng, những đứa trẻ có thể đòi mua các sản phẩm như nước ngọt, sữa chua,… trong lúc chờ tính tiền.
Từ việc thấu hiểu đặc thù của mỗi kênh bán hàng, nắm bắt được tâm lí mua hàng của khách hàng các kênh này, Trade Marketer có những chiến lược về trưng bày và khuyến mãi thu hút khách hàng, tăng tỉ lệ mua hàng cho nhãn hàng.
Kết luận
Khi có cái nhìn toàn cảnh về kênh bán hàng, nắm được các chiến lược tại các kênh, Trade Marketer sẽ lựa chọn cho doanh nghiệp lối đi đúng đắn và phù hợp về kênh phân phối.