Nội dung chính
Mô hình PEST ( tên tiếng anh PEST Analysis) là một mô hình phân tích các yếu tố bên ngoài, trong đó “P” (Politics) đại diện cho tình hình Chính trị, “E” (Economic) là kinh tế , “S” (Social) cho xã hội và “T” (Technology) là công nghệ . Phân tích PEST mô tả một bộ khung gồm các yếu tố thuộc môi trường vĩ mô có ảnh hưởng lớn đến việc quản lý chiến lược của một doanh nghiệp.
I. Tổng Quan Về Mô Hình PEST
1. Mô hình PEST là gì?
Mô hình PEST là một mô hình phân tích các yếu tố bên ngoài, trong đó “P” (Politics) đại diện cho tình hình Chính trị, “E” (Economic) là kinh tế , “S” (Social) cho xã hội và “T” (Technology) là công nghệ . Phân tích PEST mô tả một bộ khung gồm các yếu tố thuộc môi trường vĩ mô có ảnh hưởng lớn đến việc quản lý chiến lược của một doanh nghiệp.
4 yếu tố này tác động trực tiếp đến nền kinh tế nói chung và đến từng doanh nghiệp nói riêng. Các doanh nghiệp phải chịu các yếu tố bên ngoài này tác động vào một cách khách quan. Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu và phân tích chúng để đưa ra được các chiến lược, chính sách phù hợp với sự phát triển của họ.
2. Lợi ích của mô hình PEST
Môi trường kinh doanh thay đổi có thể tạo ra những cơ hội tuyệt vời cũng như những mối đe dọa đáng kể tới công ty của bạn. Do vậy, việc phân tích này giúp bạn xác định được các yếu tố bên ngoài. Mà có khả năng là cơ hội hoặc thách thức đối với doanh nghiệp của bạn.
Để hiểu thêm về cơ hội, thách thức bạn cũng nên tham khảo bài viết về Mô hình SWOT
Điều này giúp bạn hiểu được bạn đang phải đối mặt với những thay đổi cốt lõi nào. Và từ đó tận dụng được các cơ hội khi chúng xuất hiện. PEST thực sự phù hợp khi bạn bắt đầu việc kinh doanh ở một lĩnh vực mới, hoặc địa điểm mới.
3. Nguồn gốc, tác giả mô hình PEST
Đầu năm 1960, mô hình PEST (Political, Economic, Social and Technological analysis) được xây dựng và áp dụng vào thực tiễn nhằm phân tích các yếu tố của môi trường vĩ mô trong quản trị chiến lược tổ chức.
Aguilar (1967) là người đầu tiên nghiên cứu về các công cụ và kĩ thuật trong phân tích môi trường vĩ mô ở bốn yếu tố: kinh tế, kĩ thuật, chính trị và văn hóa xã hội với tên gọi ban đầu là ETPS (Economic, Technological, Political, and Social environment).
Sau đó Arnold Brown xây dựng lại thành STEP (Strategic Trend Evaluation Process), mang ý nghĩa về cách thức đánh giá các xu hướng mang tính chiến lược.
Tuy nhiên, cho tới những năm 1970, mô hình PEST mới thực sự thu hút được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và các nhà quản trị chiến lược, các doanh nghiệp, thông qua những tác động của nó tới hiệu quả của công tác đảm bảo các chiến lược môi trường.
4. Các biến thể của mô hình PEST
Ngoài cách phân tích PEST thành 4 loại môi trường như ở trên, mô hình này còn được mở rộng thành một số mô hình khác tùy từng nhu cầu áp dụng. Các biến thể chính của mô hình PEST gồm:
- PESTLE/ PESTEL bao gồm các môi trường: chính trị, kinh tế, xã hội, công nghệ, luật pháp, môi trường.
- STEEPLE bao gồm các môi trường: Xã hội / nhân khẩu học, công nghệ, kinh tế, môi trường, chính trị, luật pháp, đạo đức.
- PESTLIED bao gồm các môi trường: chính trị, kinh tế, xã hội, công nghệ, luật pháp, quốc tế, môi trường, nhân khẩu học.
- SLEPT bao gồm các môi trường: Xã hội, luật pháp, kinh tế, chính trị, công nghệ.
Trong đó:
- Môi trường pháp lý: gồm các yếu tố về pháp luật như luật phân biệt đối xử, luật liên quan tới người tiêu dùng, luật chống độc quyền, luật lao động, y tế và pháp luật về an toàn. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, chi phí sản xuất và nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp đó.
- Môi trường tự nhiên: gồm các yếu tố như thời tiết, biến đổi mùa, vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên … có tác động trực tiếp đến các ngành như du lịch, chăn nuôi, bảo hiểm …Hơn nữa, nhận thức về tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới hoạt động của công ty và các sản phẩm mà họ cung cấp.
- Yếu tố nhân khẩu học (demography): liên quan đến giới tính, tuổi, dân tộc, tín ngưỡng, thói quen tiêu dùng, thu nhập … tác động đến cầu tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp.
- Xã hội (Society): gồm các yếu tố liên quan đến văn hóa, phong tục tập quán, thói quen của người tiêu dùng, qua đó có tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Môi trường quốc tế (International): gồm các biến động của nền kinh tế và chính trị thế giới, các hiệp ước thương mại, các khối hiệp định chính phủ, các tổ chức phi chính phủ … cũng đều có tác động đến nền kinh tế một quốc gia và đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
5. Hạn chế của mô hình PEST
Mặc dù có rất nhiều ưu điểm, tuy nhiên PEST vẫn không tránh khỏi các hạn chế được liệt kê sau đây:
- Thứ nhất: các yếu tố bên ngoài trong mô hình PEST thay đổi liên tục. Đôi khi, những thay đổi này diễn ra trong thời gian ít hơn một ngày, do đó, rất khó để các nhà kế hoạch có thể dự đoán được lí do tại sao và làm thế nào các yếu tố đó có thể ảnh hưởng tới hiện tại hay tương lai của chiến lược đưa ra. Trong nhiều trường hợp, những thay đổi này có thể nhận ra, tuy nhien không được chú ý trong giai đoạn đầu và gây ra hậu quả nghiêm trọng về kết quả của chiến lược.
- Thứ hai: cấu trúc đơn giản của mô hình cũng là một hạn chế. Đối với phân tích PEST, thông thường các nhà phân tích chỉ trình bày một danh sách các yếu tố môi trường vĩ mô có thể ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Trừ một số yếu tố đang tác động lớn tới doanh nghiệp mới được đưa ra cụ thể, còn lại việc phân tích thường không mang lại nhiều kết quả.
- Thứ ba: việc thu thập các dữ liệu liên quan tới môi trường bên ngoài thường khó khăn. Điều này làm cho việc phân tích mô hình PEST tốn kém cả về thời gian và chi phí. Ngoài ra, cập nhật dữ liệu mới nhất luôn là một vấn đề trong phân tích PEST. Thiếu thông tin cập nhật dẫn đến có nhiều giả định. Một phân tích dựa trên các giả định không có căn cứ sẽ có thể dẫn đến các sai lầm trong xác định chiến lược kế hoạch.
- Thứ tư: một phân tích PEST thích hợp đòi hỏi rất nhiều thông tin cần thu thập và khi xử lí quá nhiều thông tin, doanh nghiệp thường bị mơ hồ trong việc xác định yếu tố nào là quan trọng và điều đó có thể dẫn đến sai lầm.
- Thứ năm: phân tích PEST là chưa đủ cho hoạt động hoạch định chiến lược doanh nghiệp vì nó chỉ quan tâm tới môi trường bên ngoài mà bỏ qua môi trường bên trong và yếu tố cạnh tranh. Phân tích PEST cần phải kết hợp với các phân tích khác để có một tổng thể hữu dụng hơn cho doanh nghiệp.
II. Phân tích mô hình PEST
PEST là công cụ phân tích đơn giản, hữu ích và được sử dụng rộng rãi, giúp doanh nghiệp nắm bắt được “bức tranh tổng quan” về chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội và môi trường công nghệ. Đến hiện nay, mô hình PEST được sử dụng rộng rãi mặc dù vẫn trên cơ sở 4 yếu tố ban đầu, gồm:
Mô hình PEST (Political, Economic, Social and Technological analysis)
1. Yếu tố chính trị trong mô hình PEST
Môi trường chính trị có ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội như giáo dục, lao động xã hội, nền tảng kinh tế, cơ sở hạ tầng. Một số yếu tố chính liên quan tới chính trị thuộc mô hình gồm:
Sự ổn định của chính trị: chủ yếu liên quan đến xung đột chính trị, ngoại giao của thể chế pháp luật. Thể chế ổn định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và ngược lại.
Mức độ can thiệp của Chính phủ: Chính phủ vừa là nhân tố kiểm soát, khuyến khích, tài trợ lại vừa là nhà cung cấp các dịch vụ công cho doanh nghiệp. Nắm bắt được mức độ can thiệp của chính phủ tới các lĩnh vực sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động thuận lợi.
Pháp luật: Một số bộ luật như luật đầu tư, thuế, lao động, môi trường,… và các chính sách thương mại, phát triển ngành, điều tiết cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng … tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng và phát triển bền vững. Doanh nghiệp hiểu rõ và chấp hành luật pháp sẽ tận dụng được các cơ hội từ các điều khoản pháp lý mang lại, đồng thời có những đối sách kịp thời, giảm thiệt hại do sự thiếu hiểu biết về pháp lý trong kinh doanh.
2. Yếu tố kinh tế trong mô hình PEST
Các yếu tố kinh tác động trực tiếp và liên tục tới quá trình hoạt động và phát triển của các doanh nghiệp (Gillespie, 2007), cụ thể qua một số yếu tố sau:
Tăng trưởng kinh tế GDP: tăng trưởng thu nhập quốc dân cao hơn có thể thúc đẩy nhu cầu đối với sản phẩm của một công ty. Nền kinh tế tăng trưởng cao tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hơn là nền kinh tế đang đi xuống.
Chính sách tiền tệ và tỉ giá hối đoái: Một đồng tiền mạnh có thể làm cho xuất khẩu khó khăn hơn vì chúng làm tăng tỉ giá ngoại tê, tác động tới cán cân thương mại. Cán cân thương mại cũng tác động một phần tới đầu tư nước ngoài.
Định hướng thị trường: định hướng thị trường theo hướng tư bản hay xã hội chủ nghĩa ở từng quốc gia sẽ khiến các doanh nghiệp phải đi theo hướng đó.
Lãi suất và xu hướng lãi suất: lãi suất cao có thể cản trở đầu tư vì doanh nghiệp phải chi phí nhiều hơn cho việc vay vốn. Ngoài ra lãi suất cao khiến người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn là chi tiêu, do vậy nhu cầu tiêu dùng giảm xuống.
Lạm phát: Lạm phát có thể làm cho nhu cầu về tiền lương của người lao động tăng hơn, từ đó tăng chi phí cho doanh nghiệp. Lạm phát quá cao sẽ không khuyến khích tiết kiệm và tạo rủi ro lớn cho đầu tư còn giảm phát sẽ khiến cho nền kinh tế bị đình trệ.
Trình độ phát triển kinh tế: trình độ phát triển kinh tế cao tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và ngược lại, trình độ phát triển kinh tế lạc hậu làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tồn tại.
Cơ sở hạ tầng và tài nguyên thiên nhiên: Đây là nền tảng cho đầu vào của doanh nghiệp. Cơ sở hạ tầng cao giúp doanh nghiệp thuận lợi phát triển. Tài nguyên thiên nhiên dồi dào cung cấp nguyên liệu cho một số ngành mũi nhọn.
3. Yếu tố văn hóa xã hội trong mô hình PEST
Các yếu tố xuất phát từ môi trường văn hóa xã hội có thể thay đổi nhu cầu đối với sản phẩm của công ty cũng như các quan điểm của cá nhân người lao động, điều này ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.
Các tiêu chuẩn và giá trị văn hóa: xác định cách thức mà người lao động sống và làm việc, xu hướng chấp nhận sản phẩm của người tiêu dùng hay việc tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp.
Dân số và tỉ lệ tăng dân số, cơ cấu lứa tuổi: Dân số trẻ hay già quyết định tới xu hướng tiêu dùng của xã hội. Những thông tin về dân số cung cấp cho doanh nghiệp định hướng sản phẩm chiến lược của mình. Ví dụ như dân số già hóa làm cho nhu cầu về thuốc tăng cao trong khi nhu cầu về đồ chơi có thể sẽ giảm.
Tốc độ đô thị hóa: tốc độ đô thị hóa càng cao thì sự thay đổi về các yếu tố văn hóa xã hội càng cao, càng có xu hướng hòa nhập với thị trường quốc tế.
Thái độ nghề nghiệp: thái độ đối với từng nghề nghiệp tạo ra quan điểm của người lao động hay người tiêu dùng đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực đó, có thể tạo ra những thuận lợi hay khó khăn cho doanh nghiệp khi sản xuất và cung ứng dịch vụ.
4. Yếu tố công nghệ trong mô hình PEST
Công nghệ mới làm giảm chi phí, nâng cao chất lượng và dẫn đến sự đổi mới tiếp theo. Ngoài ra, các công nghệ, cải tiến kĩ thuật tạo ra các sản phẩm mới, quy trình mới. Mua sắm trực tuyến, mã hóa và máy tính hỗ trợ thiết kế cải tiến môi trường kinh doanh Những phát triển này có thể đem lại lợi ích cho người tiêu dùng cũng như đơn vị cung cấp sản phẩm.
Đầu tư nghiên cứu và phát triển: sự ra đời, phát triển của công nghệ vừa tạo ra những sản phẩm mới phù hợp hơn với người tiêu dùng nhưng đồng thời tăng sức cạnh tranh, tạo áp lực cho các doanh nghiệp. Càng đầu tư nghiên cứu cho công nghệ, doanh nghiệp càng có cơ hội để phát triển.
Vòng quay công nghệ: sự bùng nổ của công nghệ làm cho vòng quay công nghệ có xu hướng ngắn lại, làm tăng thêm áp lực từ các doanh nghiệp hiện hữu.
Bản quyền: bảo vệ bản quyền công nghệ giúp doanh nghiệp nắm vững bí quyết nghề nghiệp, tạo sự đột phá trong sản xuất dịch vụ, nắm được thành công cho doanh nghiệp.
III. Ví dụ về phân tích mô hình PEST
1. Phân tích mô hình PESTLE ngành dịch vụ cảng biển container tại Hải Phòng
Môi trường vĩ mô (hay môi trường xã hội) là tập hợp các yếu tố có ảnh hưởng đến các quyết định chiến lược và sự tồn tại trong dài hạn của doanh nghiệp. Theo kết quả điều tra đối với ngành Dịch vụ cảng container tại Hải Phòng, áp dụng lý thuyết mô hình PEST, mô hình PESTLE phân tích môi trường vĩ mô gồm các nhóm chính sau đây:
1.1 Yếu tố chính trị
Kết quả khảo sát về tác động của môi trường chính trị đến hoạt động tại cảng đạt mức khá với 3,86/5 điểm. Môi trường chính trị Việt Nam bao gồm: chính trị, quan hệ quốc tế, tình hình tại Biển Đông trong mối quan hệ với dịch vụ cảng biển tại cảng được đánh giá khá ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
1.2 Yếu tố kinh tế
Về môi trường kinh tế tỉnh, kinh tế của TP Hải Phòng – Việt Nam ổn định và phục hồi tăng trưởng rõ nét, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2014 cao nhất trong 3 năm gần đây và gấp 1,47 lần bình quân chung của cả nước. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ rệt.
Môi trường kinh tế thời gian qua có nhiều tác động bất lợi đối với hoạt động tại cảng. Tuy nhiên, điều tra còn cho kết quả đáng ngạc nhiên với chỉ 1,43/5 điểm, tức tác động của yếu tố kinh tế đến hoạt động sản xuất kinh doanh tại cảng là không đáng kể. Từ năm 2009 đến năm 2014, sản lượng hàng hóa thông qua khu vực này đạt tốc độ CAGR là 14,6%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của hệ thống cảng biển cả nước (8,1%).
3. Yếu tố văn hóa xã hội
Môi trường văn hóa xã hội, theo kết quả điều tra, có tác động đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại cảng, với điểm trung bình cao đạt 4,43/5 điểm. Chuyên sâu về lĩnh vực dịch vụ cảng biển, môi trường văn hóa xã hội liên quan cụ thể đến thương hiệu của công ty, xu hướng xã hội sử dụng dịch vụ cảng biển, an toàn lao động.
4. Yếu tố công nghệ
Kết quả điều tra cho thấy môi trường kỹ thuật công nghệ có tác động ở mức trung bình tới hoạt động của (3/5 điểm). Kết quả này có thể bị ảnh hưởng từ thực trạng áp dụng khoa học công nghệ còn kém hơn so với một số cảng trong khu vực, điển hình trong số những cảng có đổi mới mạnh mẽ về kỹ thuật công nghệ là Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn – một đơn vị chiếm lĩnh thị phần lớn trong khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.
5. Yếu tố pháp luật
Theo kết quả điều tra, môi trường pháp lý có tác động mạnh cho hoạt động của các doanh nghiệp tại cảng, thể hiện qua điểm số trung bình đạt 4,57/5 điểm. Thời gian qua, quán triệt đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các bộ nghành không ngừng có những thay đổi cải tiến mạnh mẽ để tăng cường kiểm soát nhà nước trong một số lĩnh vực xuất hiện yêu cầu bức thiết.
2. Phân tích mô hình PEST ngành phần mềm Việt Nam
2.1. Môi trường chính trị
Môi trường chính trị ổn định, có nhiều chính sách ưu đãi về tạo điều kiện cho ngành công nghiệp phần mềm phát triển (miễn thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp). Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp lý chưa hoàn thiện, luật bảo vệ sở hữu trí tuệ còn nhiều lỗ hổng nên việc vi phạm còn xảy ra thường xuyên.
Hơn nữa, mặt bằng lương tối thiểu ngành thấp hơn so với khu vực nên các lao động được đào tạo bài bản có xu hướng làm cho các doanh nghiệp nước ngoài hoặc di chuyển sang các khu vực khác nên tìm kiếm mức lương cao hơn, làm cho lao động chất lượng ngành còn thiếu.
2.2. Môi trường kinh tế
Tăng trưởng kinh tế GDP tương đối cao và ổn định kể cả trong giai đoạn khủng hoảng 2008 – 2012, nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi từ 2013 thúc đẩy nhu cầu đối với sản phẩm công nghiệp phần mềm. Tuy lãi suất, tỉ giá, lạm phát ổn định nhưng thị trường tài chính mỏng, thị trường chứng khoán non nớt làm cho doanh nghiệp khó có thể đầu tư nhiều để mở rộng.
Cơ sở hạ tầng CNTT còn yếu, cộng với lương thấp, chất lượng lao động không cao do chảy máu chất xám làm cho ngành phần mềm Việt Nam chủ yếu chỉ phát triển được ở lĩnh vực gia công chứ không tự phát triển.
2.3 Môi trường văn hóa xã hội
Việt Nam là nước có dân số trẻ, tỉ lệ biết đọc, biết viết cao, du nhập và thích nghi nhanh theo văn hóa phương Tây. Tuy nhiên, do hệ thống giáo dục quá nặng về lý thuyết làm khả năng áp dụng vào thực tiễn kém, các sản phẩm phần mềm do đó mang nặng lý thuyết, ít có tính áp dụng thực tiễn.
2.4 Môi trường công nghệ
Nền tảng về cả cơ sở hạ tầng lẫn nhân lực CNTT còn yếu nhưng đang dần chuyển biến nhanh theo chiều hướng tốt. Vì thế, chất lượng ngành phần mềm cũng kéo theo đó dần nâng cao với tốc độ tăng trưởng cao.