Mô hình kinh doanh, sản xuất và nguồn hàng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thiết kế Website trọn gói 2,900,000đ

Quảng cáo Google

Quảng cáo Facebook

Chăm sóc Website

Chăm sóc Fanapge

Thiết kế Mobile App

Quảng cáo Tiktok

Mô hình kinh doanh, sản xuất và nguồn hàng

Có 5 mô hình phổ biến nhất cho cá nhân khi kinh doanh thương mại điện tử/ kinh doanh online là: Dropshipping, bán lẻ, tự sản xuất, POD và sản phẩm nhãn hiệu riêng (Private Label). Trong chương này, chúng ta sẽ điểm qua một vài thông tin cơ bản về các mô hình này để những người mới tập kinh doanh dễ tiếp cận. Với nhóm muốn nghiên cứu sâu về chủ đề này, chúng ta sẽ có riêng một dòng bài về sau.

Dropshipping

Ai nên chọn mô hình Dropshipping?

Đây là mô hình dễ nhất, rẻ nhất để bắt đầu kinh doanh online. Vì thế mô hình này đặc biệt phù hợp với những người chưa có nhiều vốn mà vẫn muốn làm quen dần với việc kinh doanh. Với đặc thù biên lợi nhuận thấp, mô hình này hợp với những người thích an toàn. Những người coi việc buôn bán cho vui, thử sức hoặc tạo nguồn thu phụ trợ cũng có thể thử với Dropshipping.

*Lưu ý: Lợi nhuận được đề cập trong phần nhược điểm là lợi nhuận sau khi đã trừ đi chi phí quảng cáo và marketing khác. Vì Dropshipping cần dồn nhiều tiền cho quảng cáo, mỗi người lại có cách phân bổ ngân sách cho quảng cáo khác nhau nên chỉ số lợi nhuận được đưa ra mang tính tương đối.

Dropshipping là gì?

Dropshipping là một trong số những cách kinh doanh trong môi trường thương mại điện tử an toàn và đơn giản nhất. Không phải ứng trước tiền hàng, không phải đầu tư cơ sở vật chất chứa hàng hoá và quản lý hàng tồn kho, không phải quản lý vận chuyển hàng hoá, không phải sản xuất sản phẩm. Tất cả những cái không này mang đến cơ hội cho người làm Dropshipping có thể bắt đầu kinh doanh mà gần như không có bất cứ rủi ro nào.

Cụ thể quá trình Dropshipping sẽ diễn ra như thế nào? Hãy lấy ví dụ như sau. Có 3 người:

  • Khách hàng
  • Một xưởng sản xuất áo phông tại Trung Quốc với giá 150.000đ/ sản phẩm
  • Bạn – là người làm Dropshipping, bán áo phông của xưởng Trung Quốc với giá 400.000đ/ sản phẩm

Chuyện sẽ diễn ra như sau:

Bạn dùng ảnh sản phẩm của nhà sản xuất Trung Quốc để đăng bán online trên shopify và chạy quảng cáo tới thị trường Mỹ với giá 400.000đ.

Khách hàng nhìn thấy hàng của bạn và tiến hành mua áo với giá 400.000đ.

Bạn dùng thông tin của khách hàng để đặt hàng áo phông từ nhà sản xuất Trung Quốc với giá 150.000đ.

Nhà sản xuất Trung Quốc xác nhận đơn hàng của bạn, lấy thông tin khách hàng bạn cung cấp và gửi thẳng áo đến địa chỉ của vị khách hàng đã mua áo ở website của bạn.

Bạn không mất chi phí thuê mặt bằng bán hàng, không phải quản lý tồn kho, không cần chi phí sản xuất và lãi 250.000đ cho một chiếc áo. (Lãi chỉ giả định vì tuỳ từng người mà chi phí quảng cáo online và đầu tư phần mềm quản lý khác nhau…).

Thông thường với thị trường quốc tế, người ta sẽ lấy sản phẩm trên Aliexpress rồi Dropshipping trên Shopify. Tại thị trường Việt Nam, mọi người thường lấy hàng từ Taobao, Tmall để làm dropshipping trên Lazada hoặc Shopee nhưng trường hợp Dropshipping từ nước ngoài tại Việt Nam hiện chưa nhiều do vấn đề vận chuyển hàng hoá khó khăn từ Trung Quốc và giá sản phẩm tại Việt Nam không cao dẫn đến lợi nhuận thấp.

Công thức cho một dự án Dropshipping thành công là

Quảng cáo tốt +  Sản phẩm thịnh hành.

Làm Dropshipping chắc chắn phải quảng cáo, cái này là vấn đề chắc như đinh đóng cột nên chúng ta không phân tích nhiều nữa. Vấn đề nữa cần giải quyết là chọn bán cái gì. Bạn có thể Dropshipping bất cứ mặt hàng nào. Thông dụng nhất là bán áo phông, rất nhiều người làm Dropshipping đời đầu tại Việt Nam đều từng bán sản phẩm này. Bên cạnh áo phông, bạn cũng có thể tham khảo một số sản phẩm khác. Hãy sử dụng Google Trends và Google Analytics để kiểm tra mức độ thịnh hành của sản phẩm.

Sản phẩm nên làm dropshipping

Có 3 kiểu sản phẩm dễ bán nhất nếu chọn làm Dropshipping là:

– Sản phẩm dưới 10$ và giải quyết một vấn đề cụ thể như: Móc chìa khóa, thú nhồi bông, ốp điện thoại/ máy tính hoặc sản phẩm cho thú cưng.

– Sản phẩm độc lạ hiếm có khó tìm: Những sản phẩm này thường không có sẵn trên Amazon, hoặc các trang bán lẻ khác. Nếu tôi có thể dễ dàng tìm được sản phẩm đó từ nhà cung cấp gốc hoặc trên trang khác thì cớ gì tôi phải mua của bạn với giá cao thế.

– Sản phẩm hữu dụng: Kể cả khi giá sản phẩm hơi cao một chút nhưng nó giải quyết được nhu cầu trước mắt của khách hàng thì họ cũng cố gắng dặn lòng mua.

Tham khảo qua một vài sản phẩm cũng thường được dùng để làm dropshipping cho thị trường quốc tế: Bao điện thoại chống nước đi dã ngoại, đai lưng chống gù, đèn ngủ mặt trăng, đồng hồ báo thức gỗ hoặc gương, túi bao bảo vệ giày đi mưa, găng tay tắm thú cưng chống rụng lông…

Nguồn hàng cho Dropshipping

Để làm Dropshipping cho thị trường thế giới, tham khảo một số nhà cung ứng lớn sau: AliExpress, SaleHoo, Doba, Wholesale2B, Worldwide Brands, Wholesale Central, Dropship Direct, Sunrise Wholesale, MegaGoods, InventorySource, National Dropshippers, Dropshipper.com, Oberlo

Một hướng khác là làm Dropshipping cho các bên cung ứng dịch vụ POD. (xem danh sách nhà cung ứng ở phần POD phía dưới).


Bán lẻ (retail)

Ai nên làm bán lẻ?

Nếu bạn có vốn đầu tư kha khá, sẵn sàng chịu rủi ro và có cơ sở vật chất để quản lý hàng tồn kho, bạn nên chọn làm bán lẻ. Bên cạnh đó, ban sẽ cần xác định việc kinh doanh nghiêm túc hơn vì cạnh tranh trong thị trường khá lớn.

Mô hình bán lẻ là gì?

Bán lẻ là hình thức phổ biến nhất khi kinh doanh thương mại điện tử. Bạn sẽ mua hàng trực tiếp từ nhà sản xuất hoặc qua bên trung gian với một mức giá rẻ (giá buôn) rồi sau đó bán lẻ ra thị trường cho người tiêu dùng với mức giá cao hơn. Thông thường nhà sản xuất sẽ chiết khấu cho nhà buôn 30-50% giá bán lẻ niêm yết.

Bán lẻ là mô hình tốt nếu chuẩn bị bắt tay vào kinh doanh hoặc muốn bán nhiều sản phẩm cùng một lúc. Bán lẻ cũng dễ dàng ở khâu tìm kiếm nguồn sản phẩm buôn vì hiện nay có nhiều nhà cung ứng khác nhau với đa dạng mặt hàng.

Nguồn hàng mua buôn cho bán lẻ

Bạn có thể tham khảo một số nguồn mua buôn sau:

Chợ đầu mối (Ninh Hiệp, Đồng Xuân)

Phố buôn (Hàng Ngang, Hàng Đào)

Cửa khẩu (Tân Thanh, Móng Cái) (Nên khảo sát địa điểm và khảo giá trước để đàm phán riêng với từng người bán, vì giá họ bán cho khách tham quan cũng same same giá bán lẻ bình thường.)

Khu vực gia công, khu công nghiệp sản xuất

Lấy hàng online số lượng lớn từ Taobao, 1866. (Nên tự học cách đặt rồi nhờ người quen gửi hàng từ Trung Quốc về VN sẽ rẻ hơn. Hoặc có thể lấy số lượng lớn theo container).

Các địa điểm sản xuất số lượng lớn:  Quảng Châu – Trung Quốc (tự sang bên Trung Quốc lấy hàng).


Tự sản xuất (handmade)

Ai nên làm mô hình tự sản xuất?

Phù hợp với những người có đam mê, kiến thức hoặc tay nghề nhất định. Có ý tưởng sản phẩm sẵn và biết cách tự mình tạo ra sản phẩm. Những người tạo ra và phát triển sản phẩm từ đam mê cá nhân. Không có nhiều vốn nhưng vẫn muốn kinh doanh và sở hữu một thương hiệu của riêng mình.

Mô hình tự sản xuất là gì?

Khi tự mình sản xuất sản phẩm, người ta thường sản xuất với số lượng ít. Điều này giúp chi phí sản xuất tương đối thấp. Tuy thế không có nghĩa là chi phí cho một sản phẩm là thấp vì thường sản xuất số lượng ít sẽ tốn nhiều công sức, thời gian, chất xám và cả giá vật liệu cao hơn sản xuất số lượng lớn.

Tự mình sản xuất sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian. Điều này khiến bạn ít thời gian hơn để tập trung vào việc kinh doanh và chiến lược marketing. Mô hình này cũng khó nhân rộng vì nó mang đặc tính cá nhân của bạn khá nhiều. Có một số đặc điểm chưa chắc có thể sản xuất đồng bộ hoá số lượng lớn. Chưa kể khách hàng có thể phản ứng tiêu cực nếu sản phẩm bị chuyển từ “handmade” sang sản xuất công nghiệp.

Thông thường với mô hình tự tay làm hết như thế này, loại sản phẩm để bán không đa dạng vì trong một thời gian bạn chỉ tạo ra được một loại sản phẩm nhất định. Kỹ năng, thời gian và kiến thức của bạn không dành cho việc tạo ra mọi sản phẩm.

Nhưng ngược lại, các sản phẩm handmade cho phép bạn thoả mái theo đuổi đam mê của mình và vẫn ổn định về tài chính. Handmade cũng là giá trị truyền thông rất tốt trong bán hàng.


POD – Print On Demand

Ai nên làm mô hình POD?

Phù hợp với tất cả mọi người. Nên biết thiết kế hoặc thuê được người thiết kế để làm hình in lên áo phông hoặc cốc. POD cũng giống Dropshipping, hợp bán cho thị trường quốc tế hơn thị trường Việt Nam do đặc thù chất lượng nhà cung ứng nước ngoài tốt hơn và lợi nhuận thu về từ thị trường quốc tế tốt hơn.

Mô hình POD – Print On Demand là gì?

Bán sản phẩm POD – in theo yêu cầu là cách kinh doanh ít rủi ro nhất nếu bạn chuẩn bị muốn bán áo phông, cốc, mũ, hoodie hay cái gì đó dạng như vậy. Quy trình đơn giản:

Truy cập vào nền tảng của một nhà cung ứng -> Mở cửa hàng trên nền tảng -> Upload thiết kế để in vào sản phẩm -> bán hàng

Khi có đơn hàng, nhà cung ứng sẽ in, sản xuất rồi đóng gói, gửi đến cho khách hàng.

Với POD, bạn không phải trả tiền cho sản phẩm cho đến khi bán được hàng. Bạn không phải nhập hàng số lượng lớn và cũng chẳng cần quản lý tồn kho. Thêm vào đó, các dịch vụ POD hiện nay thường đảm nhận luôn cả khâu đóng gói và vận chuyển hàng hoá. Nói chung bạn chẳng phải làm gì ngoài việc bán hàng và nhận tiền cả.

Ngay khi có thiết kế, bạn hoàn toàn có thể tạo ra sản phẩm để bán trong vòng vài phút. Trong khi với các mô hình sản xuất khác, quá trình từ ý tưởng đến sản phẩm phải mất hàng tuần đến hàng năm tuỳ thuộc loại sản phẩm.

Mô hình kinh doanh này yêu cầu vốn đầu tư ban đầu siêu thấp lại ít rủi ro. Vì không phải lo về hàng tồn kho nên rất dễ để bỏ đi các mẫu không hợp thị hiếu, dễ dàng thử mức độ lợi nhuận của sản phẩm.

Tuy nhiên, POD là mô hình mang lại lợi nhuận không được cao như những mô hình khác. Thông thường chi phí trên một sản phẩm có thể cao hơn những gì bạn dự tính. Các sản phẩm POD thường có lợi nhuận nhiều hay ít phụ thuộc vào cách bạn định giá và quảng cáo để thu hút khách hàng.

Bạn cũng không kiểm soát được quá trình giao vận. Chi phí giao vận (đặc biệt với các nhà cung ứng nước ngoài) rất phức tạp, phụ thuộc cả vào loại sản phẩm bạn bán và dịch vụ riêng từ nhà cung ứng. Nói chung cũng hên xui, nếu tìm được nhà cung ứng làm vận chuyển tốt thì khách hàng của bạn sẽ hài lòng hơn. Còn không thì bạn sẽ phải đối mặt với việc đổi trả hàng khá rắc rối.

Ngoài ra, các vấn đề như chất liệu sản phẩm, kích cỡ hay kỹ thuật in đều phụ thuộc vào nhà cung ứng nên rất khó để kiểm soát chất lượng.

Nguồn hàng cho mô hình POD – Print On Demand

Để bắt đầu thử sức với POD, có thể tham khảo một số nền tảng và nhà cung ứng trực tuyến chuyên về mảng này như: Printful, Lulu Xpress, Gooten, Printify, Teechip, Teehag, RedBubble, Merch Amazon, Zazzle, TeeSpring, Society6, Spreadshirt, Design by Humans, Merchify, Fine Art America, CG Pro Prints, Heat Press Fun.

Nếu không biết thiết kế, bạn có thể thuê người làm cho. Hoặc nếu không thì làm dropshipping cũng được. Làm dropshipping thì thay vì phải tự thiết kế thì chỉ việc bán luôn sản phẩm từ nhà cung ứng. Khi có đơn họ vẫn đóng gói và gửi sản phẩm cho bạn.


Sản phẩm nhãn hiệu riêng (Private Label)

Ai nên làm mô hình sản phẩm nhãn hiệu riêng?

Phù hợp với người có vốn, đã có kiến thức chắc về kinh doanh online – thương mại điện tử. Có kinh nghiệm làm việc với các nhà sản xuất và bên giao hàng cho các đơn giao vận lớn.

Mô hình nhãn hiệu riêng (Private Label) là gì?

Sản phẩm thuộc thương hiệu riêng là sản phẩm được sản xuất bởi một bên cung ứng thứ 3, nhưng theo yêu cầu, công thức của bạn, và bạn có toàn quyền đặt tên, định giá với sản phẩm đó.

Thường các bên sản xuất chỉ sản xuất số lương lớn. Vậy nên bạn cần kiểm tra quá trình làm sản phẩm mẫu trước cho đến khi chắc chắn mới bắt đầu sản xuất số lượng lớn.

Các nhà sản xuất sản phẩm nhãn hiệu riêng sẽ làm theo yêu cầu của bạn. Bạn có quyền quyết định về chất lượng, nguyên liệu của sản phẩm. Vì là thương hiệu cá nhân nên bạn có thể tuỳ ý đặt giá sản phẩm. Lợi nhuận sẽ cao hơn. Một số trường hợp nếu bạn không có công thức sản phẩm riêng, nhà sản xuất có thể bán lại cho bạn sản phẩm có sẵn và cho phép bạn bán ra cho người tiêu dùng với tên thương hiệu của riêng mình.

Các salon tóc mà nổi tiếng thường có dòng sản phẩm gội đầu, dưỡng ẩm và tạo kiểu riêng để khách hàng tiện mua sau khi làm đầu. Hoặc trường hợp nữa dễ thấy là các cửa hàng chăm sóc thú cưng có thể phát triển một dòng sản phẩm riêng để sử dụng trong các dịch vụ cũng như bán cho khách.

Tuy vậy, vì quá trình sản xuất bị lệ thuộc vào bên thứ ba nên gặp được bên sản xuất thì xem như may. Nếu không nhiều vấn đề sẽ phát sinh như sử dụng nguyên liệu kém chất lượng, thời gian giao hàng chậm. Vốn đầu tư ban đầu của loại hình này lớn nhất vì chỉ khi sản xuất sản phẩm với số lượng lớn, chi phí cho một sản phẩm mới thấp. Quá trình nghiên cứu và phát triển ra sản phẩm mẫu cũng rất mất thời gian và công sức. Các xưởng gia công cũng ít khi nhận đơn hàng nhỏ lẻ, mà nếu có chi phí cũng không khác giá bán lẻ là mấy.

Bên cạnh đó, việc xây dựng một thương hiệu từ con số 0 cũng rất mất thời gian và công sức. Và mặc dù không phải tự sản xuất nhưng bạn vẫn phải chuẩn bị vốn lớn để xây dựng kho xưởng và quản lý hàng tồn kho, tự lo giao vận. Nhìn chung cũng khá vất vả.

Một số sản phẩm có thể làm nhãn hiệu riêng (Private Label) là

  • Sản phẩm chăm sóc da
  • Đồ uống
  • Mỹ phẩm
  • Đồ gia dụng, chất tẩy rửa
  • Gia vị
  • Sữa
  • Thực phẩm đông lạnh

Nguồn hàng cho sản phẩm nhãn hiệu riêng (Private Label)

Bạn có thể tìm kiếm các nhà sản xuất quốc tế trên: Google, Thomasnet và Alibaba

Khi liên lạc với bên cung ứng, cần hỏi các vấn đề như: Chi phí vận chuyển hàng số lượng lớn là bao nhiêu? Nhà sản xuất có ship hàng đến Việt Nam hay không? Thời gian hoàn thiện một đơn hàng là bao lâu?

Dưới đây là một số nhà sản xuất quốc tế theo những ngành có tiềm năng nhất:

  • Thời trang: Moshi Leather Bag, Hawthorn, By Paige
  • Thủ công mỹ nghệ – sản phẩm nghệ thuật: Dehua Better Arts And Crafts, Just Vision It, Welburn Candles Private Limited, Dongguan Zhengxiang Color Film And Arts,
  • Đồ điện tử – Phụ kiện: Bolong Watches, Krystalinks, Shenzhen Pengchu Industries, Lider Mobile Accessories, Elebest
  • Đồ ăn – Thức uống: Guang Zhou Yilin Foodstuff Co, WNfoods, Dream Chocolate, Yarl Foods,
  • Chăm sóc cá nhân – Mỹ phẩm: Mooseberry, Natural Skincare, Crafting Beauty,
  • Thực phẩm chức năng: Vitalabs, JW Nutritional, Trubody Wellness, Totally Natural Remedies

Nếu làm việc với nhà sản xuất Việt Nam, quy trình vẫn diễn ra tương tự:

Khi có mẫu thiết kế, bạn mang ý tưởng sản phẩm của mình đến bên gia công hoặc sản xuất số lượng lớn để họ tạo ra sản phẩm. Bạn sẽ phải chịu chi phí gia công cho nhà sản xuất, số lượng sản xuất càng lớn, chi phí cho một sản phẩm càng rẻ và biên lợi nhuận sẽ cao hơn.


Các lưu ý về tìm nhà cung ứng sản phẩm

Có 2 nhóm cung ứng sản phẩm điển hình là: nhà sản xuất, nhà phân phối.

Nhà sản xuất

Nhà sản xuất phục vụ cho những thương hiệu lớn và đi theo hướng đầu tư chuyên nghiệp, những người làm kinh doanh thương hiệu cá nhân đặc thù. Lựa chọn nhà sản xuất có thể chia làm nhà sản xuất nội địa và nhà sản xuất nước ngoài. Chúng ta sẽ tìm hiểu ưu và nhược điểm của từng nhóm này.

Với nhà sản xuất nội địa

  • Ưu điểm: Chất lượng sản xuất và nhân công ổn định; Dễ làm việc và quản lý vì không có rào cản ngôn ngữ; Dễ làm việc trực tiếp và xác minh uy tín nhà sản xuất; Thời gian vận chuyển hàng nhanh hơn; Các vấn đề luật pháp thuận lợi hơn; Thanh toán bảo mật hơn và nhanh hơn.
  • Nhược điểm: Chi phí sản xuất cao vì không có nguồn nguyên liệu gốc; Giá nhân công cao.

Với nhà sản xuất nước ngoài

  • Ưu điểm: Chi phí sản xuất thấp hơn; Số lượng nhà sản xuất nhiều hơn với công suất lớn.
  • Nhược điểm: Chất lượng thấp hơn, tay nghề nhân công kém hơn; Các vấn đề về luật pháp rắc rối; Rào cản ngôn ngữ có thể gây ra sai sót trong quá trình hợp tác; Khó quản lý chất lượng; Thời gian chuyển hàng lâu; Các xung đột văn hoá phát sinh trong quá trình hợp tác; Các vấn đề nhập khẩu và thông quan

Nhà phân phối, nhà buôn

Nhà phân phối, nhà buôn dành cho những người kinh doanh bán lẻ, có thể trên các sàn thương mại điện tử hoặc nền tảng Website, Landing Page với đặc điểm không muốn bỏ công sức nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Nhóm nhà buôn an toàn hơn tự sản xuất vì không mất chi phí sản xuất cũng như quá trình lấy hàng không phức tạp như tự sản xuất.

Để tìm thông tin về các nhà cung ứng, có một số cách thông dụng dưới đây, hãy tham khảo qua.

  • Các sàn thương mại điện tử B2B (phù hợp cho nguồn hàng quốc tế)

Hãy tìm kiến danh sách công ty sản xuất và nhà buôn phù hợp nhu cầu trên toàn thế giới. Các trang này như các siêu nhà buôn trực tuyến, nơi tụ họp của những xưởng và nhà buôn nhỏ, bạn có thể liên hệ thẳng với các bên cung ứng này để đàm phán và nhận báo giá tốt hơn. Các trang này cũng là nguồn cung sản phẩm dropshipping cho thị trường quốc tế: Oberlo, Alibaba, AliExpress, IndiaMart, Sourcify… (tham khảo thêm ở mục Dropshipping).

  • Google

Bạn có thể tìm ra mọi thứ trên Google. Sử dụng từ khoá “xưởng sản xuất”, “nhà buôn” khi muốn tìm nguồn cung ứng Việt Nam và tìm từ khoá “Manufacturer”, “Distributor” khi muốn tìm nguồn cung ứng sản phẩm quốc tế.

  • Hỏi người xung quanh

Hỏi bạn bè, người xung quanh xem gần nhà họ hoặc có biết bên cung ứng, nhà xưởng nào tốt không.

Bạn cũng có thể làm quen với những người đã và đang buôn bán tốt để hỏi họ về kinh nghiệm tìm xưởng, cách thức lấy hàng như thế nào.

Một vài người khác sẽ đi làm thuê cho các cửa hàng bán sản phẩm giống với sản phẩm họ muốn kinh doanh một thời gian để học hỏi về cách thức tìm nguồn, hợp tác, vận chuyển hàng hoá và thậm chí cả chiến lược giá, bán hàng nữa.

CÔNG TY TNHH HBMEDIA - HBMEDIA CO.,LTD
Trụ sở: 242/8D Bà Hom -Phường 13, Quận 6 - Hồ Chí Minh
VPĐD : 151/67D Liên khu 4-5, Bình Hưng Hòa B, Bình Tân, Tp.HCM
Tư vấn dịch vụ : 0933 576 079
Từ 8h00 – 18h00 các ngày từ thứ 2 đến thứ 7

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *