Nội dung chính
Hiệu ứng đám đông tác động trực tiếp đến tâm lý người dùng và thúc đẩy quá trình đưa ra quyết định mua của người đó.
Chúng ta là những cá thể cùng tồn tại trong một cộng đồng, một nhóm xã hội nhất định và không thể sống tách biệt. Chính bởi lý do đó mà con người rất dễ bị tác động bởi tâm lý đám đông.
Hiệu ứng đám đông có thể gây ra những tác động tích cực lẫn tiêu cực? Vậy hiệu ứng đám đông là gì? Và có những cách nào để áp dụng hiệu quả hiệu ứng này trong marketing?
Hiệu ứng đám đông là gì?
Hiệu ứng đám đông có tên tiếng anh là Informational Social Influence. Đây là một khái niệm thuộc phạm trù tâm lý học và được nghiên cứu, nhận định bởi các nhà tâm lý học, phân tâm học nổi tiếng.
Hiện tượng này xảy ra khi mà một hay nhiều cá nhân bị ảnh hưởng tâm lý bởi những hành vi của một đám đông, hay còn được gọi là chạy theo số đông. Ngày nay, mạng xã hội là nơi con người dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều luồng quan điểm khác nhau nhất. Bởi mạng lưới này có quá nhiều thông tin, được cập nhật liên tục và hầu hết chưa có sự xác thực về tính đúng sai.
Đây cũng là tâm lý chung của nhiều người, họ thích chạy theo đám đông, thích cùng bàn luận, cùng tham gia vào một sự kiện, sự việc mà không hoàn toàn biết rõ về nó. Đặc biệt, những người có suy nghĩ và hành động đi lại số đông sẽ rất dễ bị dư luận gây sức ép, kỳ thị và có thể sẽ bị loại ra khỏi tập thể.
Hiệu ứng đám đông là gì? Tại sao hiệu ứng đám đông lại gây sức ép cho doanh nghiệp?
>>> Xem thêm: Hiệu ứng cánh bướm là gì? Ý nghĩa nào ẩn sau tên gọi đầy hoa mỹ?
Tác động của hiệu ứng đám đông trong kinh doanh
Hiệu ứng đám đông là một con dao hai lưỡi. Những hành động tốt, mang ý nghĩa nếu được một cá nhân hoặc một tập thể chia sẻ, rồi được nhiều cá nhân khác thực hiện theo sẽ tạo lên một hiệu ứng lan truyền tích cực. Nhưng đôi khi nó sẽ gây nên những hậu quả không đáng có nếu như thông tin được chia sẻ là không chính xác, bị sai lệch.
Tác động tích cực
Nếu thương hiệu bạn hiểu đúng và hành động đúng sẽ tạo được những phản hồi tích cực trong cộng đồng, như việc:
- Thu hút và gây chú ý với khách hàng bằng việc nói cười huyên náo hay mặc cả trong khi mua.
- Tận dụng lượt tương tác (like, share, comment), follow để tạo tâm lý tin tưởng cho khách hàng.
- Theo báo cáo có tới 88% người dùng đọc bài đánh giá trực tuyến trước khi họ tìm kiếm thông tin về sản phẩm/dịch vụ. Do vậy, việc tạo nhiều đánh giá tích cực từ đám đông cũng được coi là một chiến lược thông minh và hiệu quả.
- Sử dụng Influencer có sức ảnh hưởng lớn để tiếp cận tới lượng khách hàng tiềm năng tốt hơn.
Tác động tiêu cực
Bên cạnh những tác động tích cực, các doanh nghiệp cũng có thể bị ảnh hưởng ít nhiều bởi những tác động tiêu cực từ đám đông, như:
- Khi doanh nghiệp xuất hiện một vài thông tin xấu, chưa được xác thực sẽ rất dễ rơi vào tình trạng bị tẩy chay, ế ẩm, hoặc thậm chí còn phải đứng trên bờ vực phá sản.
- Fanpage, cửa hàng bị đánh dấu 1 sao có thể để lại ấn tượng xấu trong tâm trí khách hàng.
- Đám đông có thể công kích, xúc phạm lên một cá nhân hay một tổ chức nào đó khiến họ không có cách nào để để phản biện, dẫn đến nhiều trường hợp đau thương. Như việc Hitler bị chịu ảnh hưởng từ bố và những người xung quanh dẫn đến việc hắn nuôi thù hận với người do Thái, gây ra nạn diệt chủng.
Hiệu ứng đám đông dễ thấy nhất trong ngày Black Friday tại các cửa hàng
Hiệu ứng đám đông trong Marketing
Trong kinh doanh nói chung và marketing nói riêng, việc áp dụng hiệu ứng đám đông để đạt được hiệu quả cao trong doanh số là một chiến lược marketing thông minh.
Trên thực tế, chúng ta sẽ bắt gặp nhiều các cửa hàng ăn, uống khi mới mở sẽ huy động rất nhiều bạn bè và người thân đến quán để tạo cảm giác đông đúc. Thậm chí, nhiều cửa hàng còn thuê người bên ngoài vào ngồi quán của mình, đây được gọi là hiệu ứng chim mồi. Khách hàng khi nhìn vào sẽ nảy sinh tâm lý tin tưởng, nghĩ rằng quán đông người chắc chắn sẽ ngon.
Áp dụng trong thời đại mạng Internet bùng nổ, khái niệm “seeder”, “seeding” bắt đầu được các thương hiệu ưu tiên sử dụng. Họ sẽ dùng các comment, feedback giả để tăng tương tác, tăng mức độ tin tưởng tới người dùng. Đồng thời việc làm này cũng dễ dàng thuyết phục họ mua sản phẩm, dịch vụ hơn.
>>> Xem thêm: Hiệu ứng Bandwagon là gì? Cách ứng dụng nó trong marketing
Cách sử dụng hiệu ứng đám đông hiệu quả
Việc khéo léo sử dụng hiệu ứng đám đông trong marketing sẽ đem đến nhiều bất ngờ cho bạn về kết quả doanh số cũng như mức độ nhận diện thương hiệu. Để hiệu ứng này đạt hiệu quả cao nhất, bạn cần thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Tìm hiểu các thông tin cần thiết về sản phẩm/dịch vụ mà doanh nghiệp bạn đang muốn PR. Sau đó, lựa chọn kênh phân phối phù hợp (truyền thống hay hiện đại)
- Bước 2: Phân tích khách hàng (người mua, người tiêu dùng cuối cùng,…)
- Bước 3: Tạo những sự kiện hoặc thông tin gây tò mò về sản phẩm/dịch vụ. Những thông tin, sự kiện này cần phải mang tính tích cực, có lợi cho sản phẩm.
- Bước 4: Sử dụng các seeder, các influencer, các chuyên gia,… để chia sẻ những thông tin về sản phẩm. Lưu ý, các chia sẻ cần phải tự nhiên và chân thật nhất.
Mặt khác, bạn cũng có thể sử dụng các hình thức dưới đây để vận dụng hiệu ứng đám đông trong marketing.
Sử dụng mạng xã hội
Ngày nay, trong thời đại công nghệ số, việc sử dụng hiệu ứng đám đông thông qua phương thức truyền miệng không còn bị giới hạn trong không gian xóm làng mà được lan rộng ra ở khắp các trang social media. Chỉ cần một câu Twitter, một story trên Instagram, một status trên Facebook hay một video 15s trên TikTok… là bạn có thể tiếp cận đến hàng triệu người. Sức mạnh ấy còn được nhân lên bội phần khi bạn sử dụng đến các Influencer, các chuyên gia, các hot TikToker,… chia sẻ trên các trang họ quản lý. Trên thực tế, có tới 92% người dùng tin tưởng vào các đề xuất từ các cá nhân thay vì từ các thương hiệu; 51% các Influencer nói rằng họ đã thu về nhiều khách hàng tốt hơn thông qua việc tiếp thị có ảnh hưởng.
Nếu doanh nghiệp bạn có tài khoản tick xanh trên Facebook, Instagram,… thì đây cũng là một điểm cộng lớn, làm xóa tan những nghi ngờ của khách hàng. Đồng thời thiết lập lên độ tin cậy và uy tín của thương hiệu.
Các doanh nghiệp được đánh giá 5 sao sẽ để lại nhiều ấn tượng tốt với người dùng
Việc sử dụng hợp lý các nút like, share, comment trên mạng xã hội cũng đánh giá được mức độ nổi tiếng của thương hiệu. Người dùng đề cao những thương hiệu nhận được nhiều đánh giá tích cực từ khách hàng. Những đánh giá 5 sao cũng đang được các doanh nghiệp chú trọng nhiều hơn. Giống như cách các thương hiệu trên Shopee khuyến khích người dùng đánh giá sản phẩm sau khi mua, từ đó giúp quảng bá chất lượng sản phẩm, uy tín thương hiệu một cách tự nhiên hơn mà không mất quá nhiều chi phí. Người dùng trước khi mua sản phẩm thường có xu hướng đánh giá lượt mua, lượt giao hàng thành công, và đọc những bình luận đánh giá từ khách hàng trước.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng Storytelling để đánh vào tâm lý của các đám đông. Nhiều chứng minh cho rằng việc kể chuyện dưới nhiều hình thức có thể thu hút não bộ của chúng ta và giúp chúng ta dễ dàng xử lý các thông tin.
Sử dụng kênh truyền thông uy tín
Ngoài việc truyền thông qua các trang mạng xã hội (Facebook, linkedin, TikTok,..), doanh nghiệp bạn cũng có thể áp dụng hình thức truyền thông đại chúng qua truyền hình, báo chí, tờ rơi,…
Đây là phương tiện truyền thông có sức lan tỏa rộng rãi và tầm ảnh hưởng lớn tác động đến công chúng theo nhiều cách khác nhau như hình ảnh, âm thanh và cả chữ viết. Với những thông điệp dễ nhớ, hình thức này sẽ tác động nhanh chóng đến tâm trí và hành động của người dùng.
Đặc biệt, khi lựa chọn hình thức truyền thông qua các tờ báo nổi tiếng, bạn cần lưu ý về nội dung để đảm bảo các bài viết mang tính chuyên sâu, chân thật và giàu cảm xúc. Từ đó dẫn dắt người dùng mua hàng từ những thông tin họ tiếp cận được.
Sử dụng lời phản hồi khen chê của khách hàng
Việc các doanh nghiệp sử dụng phản hồi khen, chê đến từ khách hàng tuy không phải là chiêu thức mới nhưng hiệu quả mà nó đem lại vẫn luôn có giá trị nhất định. Những đánh giá từ khách hàng, dù là tích cực hay tiêu cực cũng là một bước đệm giúp người dùng có thêm góc nhìn khác về doanh nghiệp bạn. Nếu là phản hồi tích cực: những comment khen, những lời giới thiệu nên dùng sản phẩm,.. sẽ mở ra một cơ hội lan truyền lớn, tiếp sức cho hành trình quảng bá thương hiệu và sản phẩm/dịch vụ.
Cách Bitis xử lý khủng hoảng từ vụ lùm xùm vải gấm Trung Quốc
Còn nếu là những phản hồi tiêu cực, nếu doanh nghiệp xử lý kịp thời từ những ý kiến chê bai, từ những sự cố không ngờ trước bằng cách xin lỗi, hay thậm chí là đền bù, thì rất có thể sẽ được lòng dư luận hơn. Đôi khi hành động này còn giúp doanh nghiệp trở nên nổi tiếng và có thêm lòng tin từ khách hàng. Tương tự như cách Bitis giải quyết từ vụ lùm xùm sử dụng vải gấm Trung Quốc trong các sản phẩm của mình. Ngay sau khi nhận được phản hồi từ khách hàng, họ đã lên tiếng nhận trách nhiệm và đưa ra lời xin lỗi cho những người bị ảnh hưởng. Đây được đánh giá là cách xoa dịu cơn phẫn nộ từ phía người dùng hiệu quả nhất. Tuy nhiên, không phải thương hiệu nào cũng dám đứng lên để làm điều này.
Vừa rồi, chúng ta đã vừa cùng đi tìm hiểu về hiệu ứng đám đông cũng như những cách ứng dụng hiệu ứng này trong marketing. Hiệu ứng đám đông có thể vừa đem lại những tác động tích cực cho thương hiệu, vừa đưa doanh nghiệp đến những tình huống tiêu cực. Do vậy, để sử dụng hiệu ứng này phù hợp và mang lại nhiều lợi ích nhất, các thương hiệu cần phải khéo léo và cẩn trọng khi áp dụng nó trong kinh doanh.