Nội dung chính
Brand Guidelines, hay Bộ quy chuẩn thương hiệu là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong quá trình định vị thương hiệu. Đó là công cụ để quản lý một hình ảnh nhất quán của thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng. Nếu Brand Guidelines không “chuẩn” hay không tuân thủ chặt chẽ nó thì càng đổ nhiều tiền vào truyền thông, nhãn hàng càng trở nên khó nhớ, khó hiểu. Hãy cùng TM khám phá những điều cơ bản về brand guideline nhé.
1. Brand Guidelines là gì?
Brand Guidelines hay còn được gọi là bộ quy chuẩn thương hiệu, bộ nhận diện thương hiệu, là hệ thống các dấu hiệu, hình tượng, thông tin liên quan đến thương hiệu một cách đầy đủ, trọn vẹn nhằm giúp khách hàng “nhận diện” ra mình. Có Brand Guidelines, nhãn hàng sẽ dễ dàng hơn trong vấn đề xây dựng, phát triển và củng cố hình ảnh thương hiệu trong tâm trí khách hàng.
Brand Guidelines không chỉ đơn giản là logo, slogan mà còn bao gồm màu sắc đại diện, kiểu chữ, tính cách thương hiệu… mang bản sắc rất riêng. Bộ nhận diện thương hiệu được phát triển dựa trên mô hình định vị thương hiệu BrandKey. Để có một bộ Brand Guidelines hoàn chỉnh, đầy đủ, phải mất rất nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu và xây dựng. Đây cũng chính là vấn đề khiến các nhà quản lý nhãn hàng luôn đau đầu.
2. Brand Guidelines bao gồm những gì?
- Logo và những quy định về sử dụng logo:
Logo chính là gương mặt đại diện, mang nét tính cách nổi bật của nhãn hàng truyền tải qua những biểu tượng. Nhãn hàng cần xây dựng một bộ hướng dẫn sử dụng logo làm quy chuẩn chung cho các ấn phẩm truyền thông. Trong phần logo guidelines này, nhãn hàng quy định kích thước, màu sắc chuẩn của logo, kích thước nhỏ nhất được chấp nhận, các biến thể của logo. Quan trọng nhất, nhãn hàng cần chỉ ra những điều không được chấp nhận như: thay đổi font chữ logo, đổi màu, hình dáng logo,…
Một bộ logo guidelines hoàn chỉnh nên có hướng dẫn các quy tắc thiết kế như: cách phối màu logo trên các phông nền khác nhau, hoặc cách sử dụng logo trên các background phức tạp như thêm layer trắng, bao khung viền,…
- Chọn bảng màu và sử dụng đồng bộ:
Coca Cola với màu đỏ hạnh phúc, Pepsi với tông xanh dương mát lạnh và trẻ trung, Diana với sắc hồng nữ tính, Grab với màu xanh lá thân thiện… Màu sắc đặc trưng của thương hiệu giúp truyền tải định vị thông qua cảm xúc của khách hàng. Nếu không có bảng màu cố định, ấn phẩm truyền thông của nhãn hàng sẽ là tổ hợp rực rỡ màu sắc, thiếu tính đồng bộ, và gây bối rối cho người tiêu dùng trong ghi nhớ thương hiệu.
Trong Brand Guidelines, nhãn hàng cần cung cấp mã hex chính xác khi đăng website, cũng như giá trị CMYK và màu sắc Pantone cho các ấn phẩm in ra. Việc chuyển đổi giữa bảng màu RGB và CMYK có thể dẫn đến những thay đổi lớn, vì vậy nhãn hàng phải kiểm tra thật kỹ bảng màu để đảm bảo chúng chính xác, nhằm tiết kiệm cả thời gian và ngân sách. Ngoài ra, nhãn hàng cần đưa ra các kết hợp màu sắc cho phép, những hiệu ứng nên sử dụng, tránh tình trạng sử dụng quá nhiều màu sắc gây rối mắt.
- Chọn Font chữ thể hiện cá tính thương hiệu:
Không chỉ logo, màu sắc, mà ngay cả font chữ sử dụng trong các thiết kế của nhãn hàng cũng góp phần vào truyền thông, và thể hiện cá tính của thương hiệu. Tiêu biểu, font chữ thẳng, tối giản của Vietnam Airline thể hiện sự chuyên nghiệp, thanh lịch. Ngược lại, Vietjet Air với chữ nghiêng, nét cong thể hiện sự trẻ trung, năng động.
Tùy theo mục đích, và đối tượng truyền thông, nhãn hàng nên quy định font chữ chung, và font bổ sung có thể sử dụng chi tiết tại Brand Guidelines. Trong bộ hướng dẫn phong cách thương hiệu, nhãn hàng có thể quy định rõ cách sử dụng font cho các sản phẩm khác nhau, cũng như kích thước chữ, khoảng cách giữa các ký tự, và khoảng cách giữa các hàng.
- Cách sử dụng hình ảnh:
Trong phần này, thương hiệu cần định hướng tư duy, quy chuẩn sử dụng ảnh chung cho các ấn phẩm truyền thông của mình. Cách sử dụng hình ảnh trong Brand Guidelines phải trả lời được một số câu hỏi tiêu biểu như: Nhãn hàng sẽ sử dụng hình chụp, hình minh họa, hình vẽ, hay tổ hợp nào? Hình ảnh chụp được chỉnh sửa, và được phép sử dụng những hiệu ứng nào? Tone màu nào được cho phép ? Góc chụp và concepts hình ảnh nào được khuyến khích sử dụng ?
Đó chính là lý do tại sao khi nhìn vào các poster, banner, hay các hình chụp lookbook của Nike, ta luôn thấy sự tương phản ánh sáng cao trong các hình ảnh, cùng các bước chuyển động mạnh mẽ, mượt mà của người mẫu. Hay như thương hiệu I Love New York lại thường sử dụng hiệu ứng hình vẽ để chỉnh sửa ảnh chụp các địa điểm, nhằm tạo cảm xúc cho người xem.
- Phong cách viết – Giọng văn:
Giọng văn, phong cách viết trong truyền thông thương hiệu cũng cần đồng bộ và thống nhất trong quy định chung của Brand Guidelines. Ứng với những nét tính cách khác nhau của thương hiệu mà Copywriter cần lựa chọn từ ngữ và cách thức truyền đạt phù hợp theo quy chuẩn chung, và hòa hợp với hình ảnh, logo sử dụng.
Tone Voice trong Brand Guidelines cần giải quyết được các câu hỏi: Đọc giả, thính giả mục tiêu của nhãn hàng và đặc điểm của họ? Những loại bài viết nào được sử dụng? Bài viết phân tích dài hay ngắn gọn, xúc tích? Phong cách viết đơn giản, trang trọng hay gần gũi, thân thiện? Dùng từ đơn nghĩa, hay sử dụng từ đa nghĩa với hình ảnh so sánh?…. Brand Guidelines càng chi tiết, rõ ràng bao nhiêu, thì quá trình làm việc càng thuận lợi, hiệu quả hơn bấy nhiêu. Tham khảo tone of voice của Lingo mà easy.com đã định vị, chọn tiêu chí đơn giản, dễ hiểu làm gốc:
3. Tầm quan trọng của Brand Guidelines
- Giúp khách hàng dễ “chỉ mặt gọi tên”: Mối dây liên kết giữa nhãn hàng và khách hàng chính là cảm xúc. Cũng như một con người, nhãn hàng muốn được khách hàng nhớ đến cần có một bộ mặt, cái tên, và những điều đặc biệt thu hút để gây ấn tượng. Một bộ nhận diện thương hiệu đồng bộ, chuyên nghiệp sẽ giúp gia tăng sự tin cậy trong tâm trí người tiêu dùng.
- Giúp nhãn hàng tiết kiệm thời gian: Hãy thử tưởng tượng, mỗi lần tuyển designer mới, hoặc hợp tác với một agency thiết kế “lạ”, bạn lại mất hàng tiếng đồng hồ giải thích về nhãn hàng. Trong khi đó, bạn hoàn toàn có thể tiết kiệm thời gian bằng cách gửi bộ nhận diện thương hiệu rõ ràng, và giải thích những điểm quan trọng. Đó còn là tài liệu tham khảo chung giúp quá trình làm việc thêm hiệu quả, và “không lạc hướng”.
- Tiết kiệm ngân sách và đơn giản hóa chiến dịch truyền thông: Brand Guidelines rõ ràng, và chất lượng là nền tảng vững chắc để phát triển các chiến dịch truyền thông. Khi đó, nhãn hàng có thể áp dụng chiến lược truyền thông lặp lại, đồng bộ để tăng độ nhận diện thương hiệu, tiến tới trở thành “top of mind” trong tâm trí khách hàng.