Nội dung chính
Khởi điểm từ khả năng xây dựng sự tin tưởng lâu dài giữa khách hàng và doanh nghiệp, các chương trình thẻ tích điểm, thẻ khách hàng thân thiết đang ngày càng trở nên phổ biến và trở thành phương thức marketing doanh nghiệp cần phải làm. Vậy điều gì làm nên sức hút không thể chối từ của những loại thẻ này?
Bản chất của các loại thẻ tích điểm, thẻ khách hàng thân thiết
Các chương trình thẻ tích điểm hay thẻ thành viên bản chất đều thuộc nhóm chương trình khách hàng trung thành (Loyalty Program). Đây là một chiến lược marketing dựa trên việc doanh nghiệp trao “phần thưởng” cho các khách hàng thường xuyên giao dịch. Phần thưởng có thể bao gồm sản phẩm miễn phí, phiếu giảm giá đặc biệt, khả năng tiếp cận trước hàng chưa ra mắt, v.v… Định nghĩa Loyalty Program có thể mở rộng ra rất nhiều cách thực hiện khác nhau, chẳng hạn các chương trình dựa trên hình thức tính điểm, hạng thẻ, mức phí,…
Bí mật đằng sau các chương trình thẻ tích điểm, thẻ khách hàng thân thiết
1. Tạo sự trung thành
Gây dựng lòng trung thành của khách hàng là mong muốn của mọi doanh nghiệp. Doanh nghiệp thực hiện các chương trình thẻ tích điểm, thẻ thành viên khiến khách hàng cảm thấy họ được nhận thêm giá trị từ việc mua hàng. Đặc biệt, khi được trao phần thưởng, khách hàng sẽ càng đánh giá cao sự chăm sóc của doanh nghiệp và thấy xứng đáng khi trung thành với nhãn hàng. Dần dần, các chương trình và phần thưởng trở thành động lực kích thích khách hàng trở nên gắn kết và quay trở lại tiếp tục mua hàng, đồng thời hạn chế khách hàng mua sắm từ đối thủ.
Chẳng hạn, chương trình Lotusmiles của Vietnam Airlines với 4 cấp bậc Silver, Titanium, Gold và Platinum cung cấp cho hội viên nhiều lợi ích rất thiết thực như: thủ tục check-in nhanh hơn, thêm cân hành lý, hưởng ưu đãi hoạt động du lịch từ các bên đối tác,… Các công ty đối thủ Vietjet, Jetstar chưa có hệ thống chương trình khách hàng thân thiết rõ ràng như VietnamAirlines, do đó, dù giá vé đắt hơn đối thủ, VietnamAirlines vẫn đưa ra được nhiều lợi ích khác đáng kể cho hội viên để thu hút họ lựa chọn bay cùng hãng.
2. Kích thích chi tiêu của khách hàng thân thiết
Trong thị trường cạnh tranh khốc liệt, thu hút khách hàng mới tốn công sức cũng như tiền bạc gấp 5 đến 25 lần so với việc giữ chân khách hàng cũ. Hơn nữa, mức chi tiêu của 20% khách hàng thường xuyên chiếm tới 80% doanh thu của một nhãn hàng. Do vậy, thực hiện chương trình khách hàng thân thiết nhắm vào đối tượng khách hàng cũ là chiến lược dài hạn ổn định mà ít tốn kém cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền đầu tư vào nhóm khách hàng này để kích thích họ chi tiêu nhiều hơn.
Ví dụ đối với dịch vụ Amazon Prime – chương trình khách hàng thân thiết dạng trả phí, khách hàng trả 12.99$/tháng để hưởng trọn gói các ưu đãi từ Amazon, chẳng hạn dịch vụ free ship nhanh trong 2 ngày đối với tất cả các đơn hàng, không có định mức giá trị hóa đơn tối thiểu; đọc kindle, xem phim, nghe nhạc miễn phí,… Trung bình một năm Amazon phải bỏ ra 1 – 2 tỷ đô đầu tư vào Prime. Tuy nhiên, khách hàng Prime có tần suất giao dịch cao hơn và chi tiêu trung bình 1500$/năm so với khách hàng bình thường chỉ 625$/năm là những thứ đã bù đắp và đem lại lợi nhuận đáng kể cho Amazon.
3. Cung cấp nguồn thông tin khách hàng chất lượng
Các loại thẻ tích điểm, thẻ thành viên là một phương thức tốt để thu thập dữ liệu cá nhân của khách hàng một cách không khiên cưỡng. Khách hàng khi đăng ký thẻ cần điền các thông tin như họ tên, số điện thoại, email, facebook,… Đồng thời, các giao dịch và hành vi mua sắm trong tương lai của khách hàng sẽ được lưu trữ trong hệ thống của doanh nghiệp. Đây là nguồn insights khách hàng chính xác và chất lượng để doanh nghiệp dựa vào đó phân tích đưa ra chiến lược kinh doanh cũng như biết cách tối ưu hóa các hoạt động marketing.
Chương trình “Beauty Insider” của Sephora là ví dụ điển hình của việc sử dụng chương trình khách hàng thân thiết để thu thập insights khách hàng. Bằng cách kết hợp cả hai hình thức tính điểm và nâng hạng cấp bậc với 3 gói – Insider, VIB, Rouge, Sephora mở cửa cho các hội viên tiếp cận một cộng đồng những người chung mối quan tâm, họ có thể kết nối với nhau, tìm cảm hứng làm đẹp hay đăng ký những sự kiện độc quyền và nhiều quyền lợi khác. Như vậy, thông qua nhóm khách hàng trung thành, Sephora đã xây dựng được một cộng đồng xoay quanh thương hiệu, nền tảng này cho phép Sephora thu thập insights người dùng để phát triển sản phẩm cũng như tối ưu hóa các hoạt động kinh doanh khác.
Xây dựng hệ thống chương trình khách hàng trung thành độc đáo và hiệu quả không phải một điều dễ dàng. Để biết cách thực hiện, yêu cầu trước tiên đối với các marketers là nắm chắc các kiến thức cơ bản về trade marketing.