Nội dung chính
“Nhà xưởng thì cũng sẽ đổ vỡ, con người sẽ chết đi nhưng thương hiệu thì còn mãi” để thấy được tầm quan trọng của thương hiệu. Vậy xây dựng thương hiệu là gì? Làm sao để xây dựng thương hiệu khoẻ mạnh?
Thử tưởng tượng, khi bạn bước vào một lớp học có 30 thành viên mới toanh, tôi chắc rằng bạn sẽ rất khó để có thể cùng một lúc nhớ tên được của 30 người này. Cũng như vậy nếu bạn đang lang thang trong siêu thị, trước mắt bạn là 30 hãng bột giặt khác nhau, bạn có chắc, cùng lúc mình có thể nhớ hết tên của các hãng bột giặt không?
Vậy nên, người ta cần một cách nào đó thực tế và tiện dụng hơn để nổi bật giữa 29 người/ sản phẩm còn lại, khiến người đối diện ấn tượng và nhớ tới ngay lần đầu tiếp cận. Do đó xuất hiện nhu cầu xây dựng thương hiệu.
Thương hiệu thường được ví như đứa con tinh thần của doanh nghiệp. Khi bạn xây dựng – phát triển thương hiệu nghĩa là bạn đang nuôi nấng đứa con đó lớn. Cũng như con người, ai cũng muốn được chơi với người tốt, người tử tế. Người tiêu dùng cũng vậy, họ muốn sử dụng thương hiệu “tử tế”, khi thương hiệu của bạn tử tế, nó sẽ khoẻ mạnh và sống lâu.
Do đó bài viết ngày hôm nay sẽ giúp bạn không chỉ dừng lại ở việc xây dựng thương hiệu mà còn giúp thương hiệu của bạn khoẻ mạnh. Đầu tiên chúng ta sẽ cùng nhau đi qua những khái niệm cơ bản.
- Mục đích xây dựng thương hiệu là gì?
Mục đích của xây dựng thương hiệu không phải để bán được hàng mà là để khi bạn làm gì cũng phải để ý KHÔNG PHÁ HUỶ CÁI HIỆU ĐÓ.
Ngày nay xây dựng thương hiệu đang trở thành hoạt động dường như bắt buộc đối với tất cả các doanh nghiệp dù lớn hay bé, nhất là trong thời buổi 4.0. Nếu quan sát bạn có thể thấy trước đây, trong môi trường kinh doanh truyền thống, những đối thủ của chúng ta chỉ cạnh tranh theo local, nhưng khi chúng ta kinh doanh trên môi trường phẳng trên internet, đối thủ của chúng ta xuất hiện rất nhiều, ở mọi thành phố, tỉnh thành. Do đó, ngoài cạnh tranh về sự tương đồng sản phẩm, mẫu mã, giá thành và đặc biệt có những doanh nghiệp trên internet có tốc độ sao chép, bắt chước về cách quảng cáo, cách làm nội dung hoặc sự trùng lặp về đối tượng quảng cáo ngày càng trở nên phổ biến. Do đó bắt buộc cần phải xây dựng thương hiệu một cách minh bạch. Để từ đó khi làm bất kỳ hoạt động truyền thông nào cũng dõi theo triết lý thương hiệu đã đặt ra từ đầu.
- Các bước cơ bản xây dựng thương hiệu:
Cũng như con người thương hiệu cũng có phần hồn và phần xác. Định vị thương hiệu (brand positioning) – chính là linh hồn của thương hiệu còn bộ nhận diện thương hiệu – chính là phần xác.
Bước 1: Xây dựng định vị thương hiệu (brand positioning):
Là một vị trí nào đó trong tâm trí khách hàng và vị trí đó phải khiến khách hàng yêu thích, cảm thấy có giá trị cao hơn chi phí để rút ví tiền sở hữu sản phẩm của thương hiệu đó.
Nghĩa là khi xây dựng thương hiệu, bạn mong muốn thương hiệu của bạn là ai trong tâm trí khách hàng? Giá trị gì mà bạn muốn găm vào trái tim khách hàng? Giá trị gì dể làm bạn khác biệt với người ta?
Cuối cùng thì cũng như con người: thương hiệu cũng có đạo đức thương hiệu. Khi bạn xây dựng một doanh nghiệp thì đạo đức thương hiệu nào bạn sẽ tôn thờ, triết lý kinh doanh nào mà bạn sẽ tôn thờ. Từ đó đưa ra hướng đi của doanh nghiệp sao cho đúng định vị thương hiệu.
Ở đây, tôi giới thiệu 60 tình huống mẫu cơ bản giúp cho các bạn có thể hình dung dễ nhất về định vị thương hiệu:
Bước 2: Bộ nhận diện thương hiệu (Brand identity)
Bộ nhận diện thương hiệu giúp nói lên được tính cách, đặc điểm thương hiệu cũng như giúp mọi người xung quanh nhận ra thương hiệu đó
Bộ nhận diện thương hiệu bao gồm các yếu tố hữu hình của thương hiệu (như tên gọi, màu sắc, logo, biểu tượng, tài liệu marketing…), chúng phối hợp cùng nhau để định dạng và phân biệt giữa các thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng.
Để thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, bạn có thể tự thiết kế hoặc thuê ngoài. Tuy nhiên chi phí thuê ngoài để có một bộ nhận diện thương hiệu khá đắt đỏ cho những doanh nghiệp nhỏ và Startup. Vì thế ở đây, tôi giới thiệu với bạn một công cụ giải quyết được vấn đề “mắc tiền” này một cách miễn phí mà lại đem tới hiệu quả cao. Đó là một website thiết kế bộ nhận diện thương hiệu: Logaster.com
Thứ nhất: Điền tên thương hiệu của bạn và ấn vào Start Branding
Thứ hai: Bạn điền tagline: Điều bạn muốn khách hàng nhớ tới thương hiệu của mình. Ví dụ: với thương hiệu Imentor chúng tôi để tagline: CLB hướng dẫn khởi nghiệp.
Tiếp theo ở phần Abstract: chọn ngành/ lĩnh vực mà thương hiệu bạn đang hướng tới.
Thứ ba: Click vào Creative, hệ thống trả lại rất nhiều bộ nhận diện thương hiệu vô cùng đẹp mắt, chỉn chu và hoàn toàn miễn phí. Bạn lựa chọn bộ nhận diện ưng ý nhất và download về. Như vậy chúng ta đa xong phần thiết kế nhận diện thương hiệu một cách đơn giản, hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
Bước 3: Xây dựng chiến lược truyền thông thương hiệu
Chiến lược truyền thông thương hiệu giống như cái móng của ngôi nhà, nếu bạn chưa có chiến lược mà đi truyền thông thì tức là bạn lại xây ban công trên một cái nền chưa vững.
Rất nhiều doanh nghiệp chưa xây móng mà đã vội xây ban công, nên khi quay trở lại câu chuyện:
Giá trị cốt lõi của bạn là gì?
Điều khác biệt giữa sản phẩm của bạn so với đối thủ?
Tại sao tôi phải dùng sản phẩm của bạn?
Nếu không giải quyết được 3 vấn đề trên thì khi đó bạn sẽ trở nên lúng túng, không thuyết phục được khách hàng. Từ đó sẽ quay lại vòng xoáy cạnh tranh khốc liệt về giá. Vậy làm gì để xây dựng chiến lược truyền thông thương hiệu?
Dưới đây là một ví dụ về một trong những chiến lược truyền thông thương hiệu – Chiến lược phát triển thương hiệu theo mô hình mở rộng – phủ sản phẩm
Ví dụ: cùng là kem đánh răng nhưng bạn có rất nhiều phân khúc khác nhau, việc nghiên cứu hành vi thói quen người tiêu dùng, quan sát thị phần ngành, nghiên cứu đối thủ có thể giúp bạn cân nhắc, tiếp cận và đưa ra chiến lược mở rộng các phân khúc khác về kem đánh răng, từ đó tạo được độ phủ thương hiệu.
Có doanh nghiệp họ xây dựng một thương hiệu lõi, từ thương hiệu lõi họ tiếp cận nhiều phân khúc khác nhau.
Ngoài ra có rất nhiều chiến lược khác, tuy nhiên chiến lược truyền thông thương hiệu phụ thuộc vào tư duy của người lãnh đạo cũng như định hướng kinh doanh, vậy nên không có một khuôn mẫu nhất định nào để áp dụng cho toàn bộ doanh nghiệp.
Tổng kết
Tóm lại với nguồn lực, ngân sách và thời gian có hạn, thương hiệu cần phải xác định những yếu tố quan trọng, bắt buộc cần làm để xây dựng thương hiệu. Từ đó cần ưu tiên để tập trung giải quyết. Đó sẽ là định hướng, kim chỉ nam cho các bước tiếp theo khi lập kế hoạch, và cụ thể hơn là cho các hoạt động của thương hiệu.