Nội dung chính
- 1 1. Website – trụ cột của chiến lược digital marketing dược phẩm
- 2 2. SEO – tận dụng thói quen tiêu dùng để làm digital marketing dược phẩm
- 3 4. Mạng xã hội – nơi hãng dược đồng hành cùng khách hàng
- 4 5. Báo mạng – kênh truyền thống không thể bỏ qua
- 5 6. YouTube – kênh digital marketing dược hiệu quả thường bị bỏ qua
- 6 7. Ứng dụng di động – kênh tiếp cận khách hàng mới
Các kênh Digital Marketing đã và đang đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự tăng trưởng chung của ngành Dược phẩm. Do đó, các Marketer cần có hiểu biết về đặc tính từng kênh để triển khai các kế hoạch marketing hiệu quả với ngân sách tối ưu nhất.
Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan về 7 kênh digital marketing quan trọng nhất, giúp bạn có thể vận dụng tốt vào chiến dịch sắp tới của mình.
1. Website – trụ cột của chiến lược digital marketing dược phẩm
Trong hầu hết các chiến dịch marketing dược phẩm, website thường đóng vai trò như một trụ cột. Đó là nơi cung cấp thông tin chi tiết cho khách hàng, theo dõi và tạo ra chuyển đổi.
Do đó, website của bạn cần phải có đầy đủ các nội dung sau:
- Thông tin về sản phẩm dược: bao gồm các thông tin về thành phần, chỉ định, liều lượng, giấy chứng nhận từ các cơ quan y tế. Đây là những thông tin giúp khách hàng hiểu rõ về sản phẩm, giúp họ an tâm, tin tưởng hơn khi quyết định mua hàng.
- Thông tin về doanh nghiệp: bao gồm các thông tin về địa chỉ, công nghệ sản xuất, các sản phẩm chủ lực, đội ngũ y dược sĩ. Điều này giúp tăng uy tín của bạn với khách hàng.
- Thông tin về bệnh lý: cung cấp thông tin về triệu chứng bệnh, nguyên nhân, cách điều trị. Đây là những thông tin khách hàng cần tìm kiếm nhất trên môi trường internet.
- Phản hồi của các khách hàng cũ và chuyên gia: bạn có thể đưa phản hồi dạng text, dạng ảnh (before – after), video phỏng vấn (bác sĩ, dược sĩ, khách hàng) hay các bài báo PR booking nhằm cho thấy rõ hiệu quả của sản phẩm trong thực tế, khiến khách hàng được thuyết phục hoàn toàn.
Một điều bạn cũng cần lưu ý khi làm website cho các sản phẩm dược, đó là các thông tin dù cung cấp ở dạng nào cũng phải hết sức tránh tình trạng thổi phồng công dụng, quảng cáo lộ liễu, sai sự thật (VD: “bác sĩ trả về vẫn chữa khỏi”, “cam kết khỏi hẳn”, “trị dứt điểm”,…). Cách làm này không chỉ khiến khách hàng mất niềm tin và không bao giờ quay lại, mà còn khiến chính bạn vi phạm các quy định về quảng cáo dược phẩm.
2. SEO – tận dụng thói quen tiêu dùng để làm digital marketing dược phẩm
Có một sự thật là người Việt thường có thói quen “google search” để tìm hiểu về các dấu hiệu bệnh tật trước khi đến bệnh viên thăm khám trực tiếp. Điều này xuất phát từ nguyên nhân các bệnh viện tuyến trên thường gặp tình trạng quá tải, thủ tục hành chính rườm rà, lo sợ lây nhiễm chéo,… Tuy đây không phải cách làm đúng, nhưng đồng thời, nó cũng tạo ra thêm một cơ hội để các hãng dược tiếp cận khách hàng.
Do đó, hãy cung cấp cho khách hàng nhiều thông tin hơn là những dòng mô tả đơn thuần về sản phẩm của bạn. Và các tuyến bài chuẩn SEO là một trong những hướng đi xứng đáng để đầu tư.
Một lưu ý khi triển khai các nội dung về dược học, bệnh học trên website của bạn, đó là hãy tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc “5 đúng” trong marketing dược: 1. Đúng thuốc; 2. Đúng lượng; 3. Đúng nơi; 4. Đúng giá và 5. Đúng lúc. Đừng “thổi phồng” sản phẩm có thể chữa được “bách bệnh” hay “bác sĩ trả về vẫn có thể cứu sống”. Làm như vậy, bạn không chỉ vi phạm các quy định của Nhà nước mà còn có thể khiến khách hàng “một đi không trở lại”, uy tín doanh nghiệp dần về không.
4. Mạng xã hội – nơi hãng dược đồng hành cùng khách hàng
Sự phổ biến và tiện dụng của mạng xã hội đã khiến nó ngày càng trở thành một công cụ marketing hữu ích trong ngành dược phẩm. Các nhãn hàng có thể “lợi dụng” rất nhiều tính năng của mạng xã hội để phục vụ cho chiến lược digital marketing của mình, như:
- Livestream với các chuyên gia tư vấn, bác sĩ, dược sĩ để giải đáp các thắc mắc về sản phẩm.
- Tổ chức webinar (một dạng hội thảo online) để quảng bá về sản phẩm mới (đặc biệt trong bối cảnh giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19).
- Tung các quảng cáo để chúng “chủ động” tìm đến với các khách hàng đang có nhu cầu.
- Đăng tải các hình ảnh, clip review, clip viral về sản phẩm.
- …
Thế mạnh của mạng xã hội là tạo ra những kết nối, tương tác trực tiếp, chân thực. Do đó, các hãng dược nên biến mạng xã hội trở thành một người đồng hành tin cậy, khiến khách hàng có thể an tâm chia sẻ mọi trăn trở thay vì chỉ thông tin đơn thuần như website.
5. Báo mạng – kênh truyền thống không thể bỏ qua
Dược phẩm là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Thế nên, uy tín sản phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu để họ cân nhắc mua hàng. Và trong những cách nâng cao uy tín sản phẩm, không thể không nhắc đến báo chí.
Trong tâm lý của người tiêu dùng, báo chí là một “kênh thứ ba”, một nguồn chính thống ở bên ngoài nên điều họ nói về sản phẩm sẽ khách quan và đáng tin cậy hơn.
Để bài PR mang lại hiệu quả cao, bạn nên đưa vào đó các ý kiến đánh giá chuyên môn của dược sĩ, bác sĩ – vốn là đối tượng mang lại sự tin cậy cao nhất trong ngành dược. Và ở kênh này – do tính chất là một kênh chính thống – nội dung của bạn nên thiên về các thông tin khoa học, các vấn đề xã hội,… để sự khách quan được nâng lên cao nhất.
6. YouTube – kênh digital marketing dược hiệu quả thường bị bỏ qua
Trên thực tế, kênh YouTube đang bị nhiều hãng dược đánh giá thấp vì cho rằng nó không hiệu quả. Vậy nên, với nhiều hãng, kênh YouTube chỉ là nơi lưu trữ và đăng tải các video sau khi đã sử dụng ở nền tảng khác.
Trong khi đó, YouTube vẫn đang là kênh thông tin được tìm kiếm nhiều thứ hai sau Google. Nhiều tệp khách hàng trung tâm của các hãng dược có thói quen thường xuyên lên YouTube xem video như trẻ em, phụ nữ đã lập gia đình, người trung niên,…
Do đó, trong năm 2021 này, các hãng dược cần tập trung nhiều hơn vào kênh YouTube của mình. Một số nội dung cơ bản cần có của một kênh digital marketing dược là:
- Các video dạng explainer giải thích về cơ chế sản phẩm, công dụng, chức năng của thuốc.
- Các video dạng review ghi lại cảm nhận, chia sẻ của những người đã sử dụng sản phẩm.
- Các video dạng phỏng vấn chuyên gia, ghi lại đánh giá của các dược sĩ, bác sĩ, nhà chuyên môn về sản phẩm.
Chỉ cần 3 nội dung này thôi, kênh YouTube của các hãng sẽ có “bộ mặt” khác hẳn.
7. Ứng dụng di động – kênh tiếp cận khách hàng mới
Hiện nay, đã xuất hiện rất nhiều ứng dụng di động cho ngành dược phẩm. Ví dụ như Medigo – ứng dụng mua thuốc online 25/7, Jio Health – ứng dụng mua thuốc và khám chữa bệnh tại nhà, Omi Care – ứng dụng mua thuốc online chuyên về các sản phẩm Nhật,… Điều đó giúp cho các hãng dược có thêm một kênh để tiếp cận khách hàng và quảng bá sản phẩm.
Trong chiến lược marketing dược phẩm, việc xây dựng và phân bổ nguồn lực cho các kênh luôn đóng một vai trò to lớn. Do đó, hiểu rõ về đặc tính của từng kênh sẽ giúp marketer thiết kế được một kế hoạch phù hợp nhất với mong muốn và hoàn cảnh của nhãn hàng.