Nội dung chính
Tháng Tự hào là thời điểm nhiều thương hiệu bày tỏ sự ủng hộ cộng đồng LGBT+. Thường thấy nhất là đặt màu cầu vồng lục sắc vào logo và sản phẩm của thương hiệu. Tuy nhiên từng đó hoạt động liệu có đủ để thể hiện sự ủng hộ cộng đồng LGBT+ hay không?
Theo tôi, để trở thành đồng minh của cộng đồng LGBT+, các thương hiệu thường sẽ: (1) Nêu ra các quan điểm về vấn đề liên quan đến cộng đồng LGBT+, (2) Hỗ trợ các tổ chức vì quyền LGBT+, (3) Giáo dục chính mình về LGBT+.
Bà Margo Kahnrose, Giám đốc Marketing Công ty Skai chia sẻ: “Thương hiệu có thể tận dụng nền tảng mạng xã hội như một phương tiện truyền thông hoàn hảo để kể những câu chuyện mang tính giáo dục và thúc đẩy nhận thức của mọi người về cộng đồng LGBT+ hơn là chỉ thay đổi logo hoặc triển khai các sản phẩm mang chủ đề hình ảnh cầu vồng lục sắc”.
Đặc biệt, bà rất tâm đắc với chiến dịch “Beyond the Rainbow” của H&M trên Instagram. Xuyên suốt chiến dịch, thương hiệu tận dụng tiếng nói của các influencer thuộc LGBT+ để chia sẻ những câu chuyện, quan điểm cá nhân về định kiến của xã hội đối với người thuộc cộng đồng LGBT+.
Tháng 6/2021, H&M Mỹ cũng hỗ trợ cho tổ chức phi lợi nhuận “The Trevor Project” để góp phần ngăn chặn các vụ tự tử xảy ra và giúp đỡ những thành viên trong cộng đồng LGBT+ vượt qua khủng hoảng tâm lý.
Dễ dàng thấy thương hiệu thường thể hiện trách nhiệm xã hội trên nền tảng trực tuyến với mong muốn giúp những người trong cộng đồng LGBT+ được công nhận và chấp nhận. Tuy nhiên, sự công nhận này trước hết phải xuất phát từ bên trong tổ chức của thương hiệu đó.
Ông Paul Greenwood – Trưởng bộ phận Research & Insight toàn cầu của agency We Are Social chia sẻ rằng: “Thương hiệu nên học cách thể hiện sự ủng hộ thực sự cho cộng đồng LGBT+ trong các chiến dịch quảng cáo. Đồng thời họ nên có những chính sách nội bộ hướng đến việc xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, tôn trọng các thành viên thuộc cộng đồng LGBT+”.
Ông Peter List – người đứng đầu bộ phận Equality, Diversity & Inclusion của IKEA chia sẻ: “Những ý tưởng tương tác với khách hàng và nhân viên thuộc cộng đồng LGBT+ của thương hiệu không chỉ thể hiện sự ủng hộ mà còn là cách để họ nâng cao nhận thức của tổ chức về vấn đề này. Thương hiệu cần đẩy mạnh hoạt động ủng hộ cộng đồng LGBT+ và cụ thể là ủng hộ sự nghiệp của họ nhiều hơn.”
Ông còn chia sẻ thêm: “Chúng tôi mong muốn mỗi người, dù ở xu hướng tính dục hay bản dạng giới nào cũng đều sẽ cảm thấy thoải mái không chỉ ở IKEA mà ở bất cứ nơi đâu họ đặt chân đến”.
Hai nền tảng LinkedIn và Facebook đã thay đổi logo thương hiệu với màu cầu vồng lục sắc để bày tỏ sự ủng hộ của mình nhân dịp Tháng Tự hào LGBT+. Song theo một báo cáo từ tổ chức phi lợi nhuận Glaad, mạng xã hội được đánh giá là không an toàn đối với cộng đồng LGBT+ khi số lượng bình luận chỉ trích và quấy rối ngày một tăng cao. Báo cáo của Glaad cũng chỉ ra rằng 75% các vụ quấy rối này xảy ra trên Facebook.
Ông Rich Ferraro – Giám đốc Truyền thông của Glaad chia sẻ: “Trong cuộc bầu cử năm 2020, các nền tảng mạng xã hội có sức mạnh chống lại sự thù ghét, ngăn chặn các thông tin sai lệch. Do vậy, chúng ta có thể tận dụng khả năng này để phát triển các chiến lược nhằm bảo vệ quyền lợi, nhu cầu của người dùng. Tuy nhiên, nhiều nền tảng mạng xã hội dường như vẫn còn chần chừ, e ngại trước hành động này”.
Tóm lại, các nền tảng mạng xã hội nên sử dụng phương pháp tiếp cận nhắm mục tiêu có tính định hướng. Chẳng hạn: “Khi người dùng tìm kiếm nội dung tiêu cực liên quan đến LGBT+, các nền tảng mạng xã hội có thể đưa ra đề xuất PSA (thông tin vì lợi ích cộng đồng) hoặc những nguồn tin đáng tin cậy, thay vì để người dùng tiếp cận thông tin sai lệch”.
Trưởng bộ phận Creator Solutions TikTok Châu Âu, ông Julien Wettstein bày tỏ quan điểm về Pride Month 2021: “Năm nay, chiến dịch của chúng tôi được triển khai nhằm giúp mọi người có thể tự do là chính mình ở bất kỳ nơi đâu. Để thực hiện được điều này, TikTok hợp tác với những creator thuộc cộng đồng LGBT+ để mang đến nhiều nội dung có khả năng định hướng nhận thức của người xem. Đồng thời, chúng tôi còn hỗ trợ cho nhiều tổ chức vì cộng đồng LGBT+, ví dụ như Stonewall. Những hành động thực tế này vô cùng quan trọng, vì chúng góp phần tạo ra môi trường thân thiện với tất cả mọi người”.
Ngày 9/6/2021, trang mạng xã hội làm đẹp Estee Laundry đã kêu gọi các thương hiệu như MAC Cosmetics, Origins, Urban Decay và L’Oréal tham gia hoạt động lục sắc hoá logo thương hiệu trong Tháng Tự hào.
Tuy nhiên, MAC Cosmetics và Origins ở Nga đã không thay đổi logo của mình trên Instagram, trong khi tài khoản của công ty mẹ của hai thương hiệu đã được cập nhật.
Hoạ sĩ Kate Cliffen, Trưởng nhóm Sáng tạo của Jellyfish Social chia sẻ: “Đây là một vấn đề phức tạp, bởi ở nước Nga, nhiều định kiến về cộng đồng LGBT+ vẫn còn mạnh mẽ. Chính vì thế, các nhân viên của công ty thuộc cộng đồng này sẽ đối mặt với nhiều nguy hiểm. Theo tôi, nếu một thương hiệu lớn như MAC Cosmetics định vị mình là một nhãn hàng ủng hộ cộng đồng LGBT+, thì họ nên tích cực hỗ trợ cộng đồng này, chung tay trong việc lan toả thông điệp khắp thế giới”.
Bà nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, MAC Cosmetics Nga nên thay đổi màu sắc logo thương hiệu. Vì đây sẽ được xem là hướng đi táo bạo tại thị trường này – nơi mà các cá nhân thuộc cộng đồng LGBT+ luôn cảm giác bất an, thiếu sự thấu hiểu”.
Tháng Tự hào là dịp để tôn vinh các giá trị tình yêu và sự trân trọng đối với cộng đồng LGBT+. Hình ảnh bảy sắc cầu vồng nhuộm khắp các nền tảng trực tuyến là tín hiệu đáng mừng, nó cho thấy mọi người dần quan tâm hơn đến những người thuộc cộng đồng này. Các thương hiệu, tổ chức, cá nhân và chính phủ nên duy trì và nhân rộng việc ủng hộ, thấu hiểu với cộng đồng LGBT+ không chỉ trong Tháng Tự hào mà xuyên suốt dài lâu. Đồng thời, họ nên hướng đến việc tạo ra không gian trực tuyến an toàn, văn minh và ngăn chặn các hành động quấy rối đối với tất cả mọi người.