Nội dung chính
Meta cho biết đang xem xét đóng cửa Facebook và Instagram trên khắp châu Âu nếu họ không còn có thể xử lý dữ liệu người dùng ở đây trên các máy chủ tại Mỹ.
Cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh các nhà quản lý ở châu Âu hiện đang soạn thảo luật mới liên quan đến truyền tải dữ liệu quốc tế.
Meta cho biết: “Trong trường hợp khung quy định mới được thông qua và chúng tôi không thể tiếp tục dựa vào SCC (các điều khoản hợp đồng tiêu chuẩn) hoặc dựa vào các phương tiện truyền dữ liệu thay thế khác từ châu Âu đến Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ không thể cung cấp một số sản phẩm và dịch vụ quan trọng nhất của mình, bao gồm Facebook và Instagram ở Châu Âu.”
Theo Meta điều này “sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng và bất lợi đến hoạt động kinh doanh, tình trạng tài chính và kết quả hoạt động của chúng tôi.”
Sở hữu lượng người dùng, dữ liệu và lượt truy xuất dữ liệu khổng lồ nhưng Facebook không đặt trung tâm dữ liệu ở quá nhiều nơi mà phần lớn đều được đặt tại Mỹ.
Chia sẻ dữ liệu giữa các quốc gia và khu vực là rất quan trọng đối với việc cung cấp các dịch vụ và quảng cáo được nhắm mục tiêu, Meta nhấn mạnh. Nhưng các thỏa thuận hiện tại cho phép truyền dữ liệu hiện đang bị giám sát chặt chẽ ở EU.
Trước đây, một khung thỏa thuận có tên Privacy Shield (chương trình bảo vệ quyền riêng tư) giữa Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ cũng như giữa Thụy Sĩ và Hoa Kỳ được sử dụng làm cơ sở pháp lý để thực hiện các hoạt động truyền dữ liệu đó. Tuy nhiên, hiệp ước này đã bị Tòa án Công lý Châu Âu hủy bỏ vào tháng 7 năm 2020, vì vi phạm bảo vệ dữ liệu.
Kể từ đó, EU và Mỹ cho biết họ đang nghiên cứu một phiên bản mới hoặc bản cập nhật của hiệp ước trước đó. Meta hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận mới vào năm 2022, nhưng nếu điều đó thất bại, công ty cảnh báo về một tương lai tồi tệ cho các mạng xã hội của họ ở EU. Người phát ngôn của Meta cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn không có mong muốn và không có kế hoạch rút khỏi châu Âu, nhưng thực tế đơn giản là Meta và nhiều doanh nghiệp, tổ chức và dịch vụ khác, dựa vào việc chuyển dữ liệu giữa các nước EU. và Hoa Kỳ để vận hành các dịch vụ toàn cầu.”
Ngoài rắc rối liên quan đến máy chủ dữ liệu, Facebook cũng như nhóm Big Tech gần đây liên tục phải đối mặt với các động thái cứng rắn từ giới chức châu Âu. Nhiều nhà hoạch định chính sách và lập pháp của EU cho rằng phải có hành động mạnh mẽ với mục tiêu siết chặt các dịch vụ truyền thông xã hội. Theo dự luật, EU sẽ yêu cầu các nền tảng công nghệ lớn phải tìm kiếm các giải pháp và giảm thiểu rủi ro từ nội dung bất hợp pháp. Nếu không, những công ty đứng sau phải đối mặt với khoản tiền phạt nặng nề.
Tại Anh, các nhà lập pháp đang xem xét dự luật về an toàn trực tuyến, trong đó cơ quan quản lý có thể đưa ra mức phạt 10% doanh thu toàn cầu hàng năm của công ty vi phạm. Chính phủ các quốc gia thành viên EU cũng đang thảo luận bộ quy tắc chung cho Big Tech.
Theo một số nhà lập pháp, sau khi tham khảo tài liệu nội bộ của Facebook, dự luật truyền thông xã hội mới của EU sẽ được mở rộng hơn so với hiện tại. Ví dụ, Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) đề xuất nên xử lý nội dung có hại tiềm ẩn, nhưng sẽ được điều chỉnh để tập trung nhiều hơn vào cách các công ty đề xuất và truyền bá nội dung.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã ngầm chấp nhận cảnh báo gián tiếp của Meta về việc đóng cửa các hoạt động của Facebook và Instagram trên khắp châu Âu nếu gã khổng lồ truyền thông xã hội không còn có thể xử lý dữ liệu của người châu Âu trên các máy chủ của Mỹ.
Tân Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck chia sẻ với các phóng viên trong cuộc họp ở Paris rằng: “Sau khi bị tấn công, tôi đã sống không có Facebook và Twitter trong 4 năm và cuộc sống thật tuyệt vời.”
Phát biểu bên cạnh người đồng nghiệp người Đức, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói thêm: “Tôi có thể khẳng định rằng cuộc sống sẽ rất tốt nếu không có Facebook và chúng tôi vẫn sẽ sống rất tốt nếu không có Facebook”.
Khá thú vị khi Meta không đề cập đến dịch vụ nhắn tin WhatsApp – vốn là một trong những ứng dụng nhắn tin được sử dụng ở nhiều quốc gia EU. Với bản chất được mã hóa của WhatsApp và không nhắm nhiều mục tiêu quảng cáo trong dịch vụ, có thể việc tách dữ liệu châu Âu và châu Mỹ sẽ không tạo ra nhiều tác động đến lợi nhuận của công ty.
Hiện tại vẫn không chắc liệu Meta có vượt qua những khó khăn tại EU hay không bởi đây là một trong những thị trường béo bở của công ty này, đặc biệt trong bối cảnh Meta vừa mất đi 25% giá trị thị trường sau báo cáo thu nhập quý 4/2021. Dĩ nhiên, cũng không thể không loại trừ việc Meta chỉ muốn đưa ra lời đe dọa nhằm buộc EU phải xem xét lại các quy định liên quan đến việc chia sẻ dữ liệu đối với máy chủ đặt ngoài khu vực này.