Nội dung chính
Thương hiệu dầu gội Dove của Unilever mới đây đã phát động một chiến dịch mới ở Canada nhằm nâng cao nhận thức về việc các phương tiện truyền thông xã hội đang gây tổn hại đến lòng tự trọng của những trẻ em gái mười tuổi như thế nào. Thương hiệu đã phát hành một bộ phim có tựa đề “Reverse Selfie” kêu gọi người xem cùng nhau xóa bỏ tác hại của mạng xã hội đối với sự tự tin vốn đã trở nên tồi tệ hơn trong thời kỳ đại dịch.
Chiến dịch kêu gọi mọi người hãy có một “cuộc trò chuyện selfie” với “cô gái mà bạn yêu”, cô gái nằm sâu bên trong chính bản thân bạn, hay nói cách khác là kêu gọi mọi người nói chuyện với chính bản thể của mình, một bản thể mà bạn yêu thương và tôn trọng, và nói về những thao tác chỉnh sửa hình ảnh trên mạng xã hội đã tạo ra các tiêu chuẩn vẻ đẹp phi thực tế như thế nào. Theo đó, Dove đã tạo ra một microsite nhỏ với bộ tài liệu tự tin mang tên “Confidence kit” – cho phép mọi người tải về và tham khảo, đặc biệt dành cho các bậc cha mẹ phụ huynh và giáo viên.
Thương hiệu đã mời ca sĩ và nhà ủng hộ sự tự tin cơ thể nổi tiếng Lizzo để thúc đẩy mục tiêu biến mạng xã hội trở thành trải nghiệm tích cực hơn cho các cô gái. Đây là nỗ lực mới nhất của Dove và công ty mẹ Unilever nhằm xác định lại cách nhìn nhận của công chúng về cái đẹp.
Chiến dịch mới nhất này nằm trong Dự án dài của Dove là Dove Self Esteem diễn ra nhằm mục đích nâng cao nhận thức về tác hại của các phương tiện truyền thông xã hội đối với các cô gái trẻ, trong bối cảnh mức độ sử dụng của mạng xã hội trong thời đại dịch gia tăng chóng mặt và trẻ em thì phải sống trong cảnh cô lập nhiều hơn. Chiến dịch này đánh dấu sự mở rộng mang tính bước ngoặt của thương hiệu trong chặng đường 10 năm theo đuổi “Chiến dịch Vì Vẻ đẹp Thực sự”, với mục tiêu cốt lõi là thay đổi quan niệm về cái đẹp của người phụ nữ, cũng như giúp xây dựng sự tự tin ở phụ nữ và trẻ em. Trước đây, Dove đã hợp tác với nhà sáng tạo Lena Waithe để ra mắt một loạt phim IGTV với mục tiêu hướng đến là các thanh thiếu niên khi họ đang phải trải qua những sự thay đổi về mặt tâm sinh lý ở tuổi vị thành niên và đặc biệt là những thay đổi ở tỷ lệ và hình dáng cơ thể.
Trọng tâm của chiến dịch mới lần này là bộ phim ngắn “Reverse Selfie”, chia sẻ câu chuyện về một cô gái trẻ đang trang điểm và sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh để làm đẹp các bộ phận trên mặt như chỉnh mũi cao lên, mắt to hơn, môi dày hơn,… trước khi đăng bức ảnh đó lên mạng xã hội và nhận được những lời khen ngợi từ bạn bè, đồng nghiệp. Bộ phim kết thúc bằng một thông điệp kêu gọi mọi người hãy có một “cuộc nói chuyện selfie” với “cô gái mà bạn yêu” để giúp chống lại những tác hại của các phương tiện truyền thông xã hội. Bộ phim gợi nhớ đến bộ phim ngắn của Dove, “A Selfie” mà thương hiệu đã phát hành ba năm trước, vạch trần sự thật về những bức ảnh lung linh được dàn dựng công phu trên mạng xã hội.
Chiến dịch mới nhất của Dove bắt nguồn từ một cuộc khảo sát cho thấy 80% các cô gái Canada đã tải xuống một bộ filter hoặc sử dụng một ứng dụng để chỉnh sửa gương mặt, diện mạo của họ trong các bức ảnh tự sướng ở tuổi 13. Khoảng 2/3 (67%) các cô gái từ 10 đến 17 tuổi đã thử thay đổi hoặc che giấu ít nhất một đặc điểm trên cơ thể của mình trước khi đăng ảnh trên Internet, trong khi đó, 59% cô gái cảm thấy không an toàn về cơ thể của mình thường xuyên bóp méo ảnh trước khi chia sẻ lên mạng xã hội. Ngoài ra, 37% người trả lời khảo sát cho biết họ trông không đủ đẹp nếu không chỉnh sửa ảnh.
Các cô gái cho biết họ sẽ cảm thấy tự tin hơn nếu hình ảnh trên mạng xã hội phản ánh chính xác hơn vẻ ngoài của họ trong cuộc sống thực, và nếu như thế thì 67% đồng ý rằng họ sẽ không cảm thấy bị đánh giá và 66% nói rằng họ sẽ bớt lo lắng hơn về ngoại hình của mình. 63% các cô gái nói rằng họ ước thế giới sẽ tập trung vào con người của họ hơn là việc họ trông như thế nào. Theo Dove, các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng các cô gái cần được giúp đỡ trong việc sử dụng mạng xã hội “theo cách tích cực, làm cho nó thiên về việc thể hiện bản thân hơn và tránh tập trung vào diện mạo bên ngoài”.
Với việc chỉ có 30% phụ huynh nói rằng họ đã nói chuyện với con cái của họ về những áp lực của mạng xã hội, Dove đã đặt ra mục tiêu rằng sẽ có nhiều hơn những cuộc trò chuyện như thế thông qua việc ra mắt bộ tài liệu “Confidence kit” online của mình. Tập sách dài 32 trang này phác thảo cách những đứa trẻ dành nhiều thời gian trên mạng xã hội có xu hướng cảm thấy tồi tệ hơn về bản thân, và cách cha mẹ và giáo viên có thể bắt đầu một “cuộc trò chuyện selfie” để giúp những đứa trẻ biến mạng xã hội thành một trải nghiệm tích cực hơn. Một số lời khuyên có thể kể đến như hủy theo dõi các tài khoản khiến họ cảm thấy không hài lòng và sử dụng các tính năng bảo mật trên các ứng dụng như Instagram.
Sau nhiều năm nỗ lực, các chiến dịch của Dove luôn hướng tới mục tiêu thúc đẩy tính toàn diện trong quảng cáo và xác định lại nhận thức của công chúng về cái đẹp. Tại Nam Phi, vào tháng trước, thương hiệu này đã đề nghị trợ cấp chi phí cho các thương hiệu khác, để họ thuê các người mẫu đa dạng hơn từ dáng người, tuổi tác, sắc tộc. Hành động này nằm trong khuôn khổ Dự án #ShowUs của Dove nhằm tạo ra một bộ sưu tập hình ảnh mô tả tầm nhìn toàn diện hơn về vẻ đẹp cho các nhà quảng cáo và phương tiện truyền thông. Bộ sưu tập gồm 5.000 bức ảnh được các nhà sản xuất nhận định rằng “thể hiện những nét chân thật nhất của phụ nữ, chứ không phải là những chuẩn mực không thực”.
Công ty mẹ Unilever cũng cho biết họ sẽ ngừng sử dụng từ “Normal” trong quảng cáo và bao bì của các thương hiệu chăm sóc cá nhân và làm đẹp, và ban bố điều luật nghiêm cấm chỉnh sửa hình ảnh người mẫu quảng cáo quá đà, nhằm phản ánh những nỗ lực của họ trong việc ủng hộ sự đa dạng và chống phân biệt chủng tộc trên thế giới. Nói rộng ra thì, Unilever đã đưa bất bình đẳng xã hội trở thành ưu tiên cao hơn, bên cạnh mục tiêu chống biến đổi khí hậu.