Nội dung chính
Hầu hết doanh nghiệp đều sử dụng chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPI) và các số liệu (metric) để đánh giá và cải thiện hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, không phải ai cũng phân biệt được rõ ràng hai khái niệm này.
KPI và Metric khác nhau như thế nào?
“Mọi KPI đều là metric, nhưng không phải metric nào cũng là KPI”. Metric là tập hợp các số liệu có thể đo lường. Bạn có thể đo bất cứ thứ gì để lấy làm metric. Tuy nhiên,những con số ngẫu nhiên sẽ không nói lên điều gì có ý nghĩa về mức độ hiệu quả của một doanh nghiệp, về quy trình, sản phẩm hoặc con người. Bản thân metric chỉ là một số liệu đại diện cho thông tin, nó cần nhiều hơn những thông tin liên quan và ngữ cảnh xung quanh để trở thành số liệu có ích.
KPI hay chỉ số đo lường hiệu quả lại chính là một metric hay một số liệu có ngữ cảnh. Nó là một số liệu được áp dụng cụ thể cho bối cảnh của doanh nghiệp hoặc ngành hàng. Ví dụ: Để theo dõi hiệu quả của team marketing, bạn chọn theo dõi một vài metric như doanh thu, số lead, traffic,… Tiếp theo, bạn xem xét những metric được chọn có tầm ảnh hưởng đến mục tiêu của doanh nghiệp như thế nào. Nếu đây là số liệu quan trọng phải theo dõi, chúng có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp ở một mặt nào đó, thì metric đó có thể sử dụng làm KPI.
KPI thường hướng đến một mục tiêu cụ thể, ví dụ như KPI cho team marketing là số lượng khách hàng tiềm năng (lead) trong một khoảng thời gian cụ thể. Trong khi đó, metric là những con số không phải mục tiêu nhưng có thể đóng góp vào việc đạt được mục tiêu này, ví dụ: bộ phận SEO sẽ có các chỉ số như organic lead, keyword ranking, organic traffic, bộ phận social media có các chỉ số reach, engagement, new users… Có những metric không phải KPI của cả team marketing nhưng lại là KPI riêng cho những bộ phận nhỏ hơn.
KPI có nhiều đặc điểm khác biệt khi so sánh với metric – một số liệu đơn lẻ. Ví dụ KPI thường là sự kết hợp của hai hoặc nhiều phép đo, như “doanh thu hàng quý” – kết quả của những phép đo này nhằm đánh giá doanh số qua thời gian.
Những đặc điểm của KPI khác với metric bao gồm:
- KPI là bắt buộc và là trọng tâm cốt lõi của chiến lược kinh doanh.
- KPI là sự kết hợp của nhiều metric
- KPI là chỉ số dựa trên thời gian thực, như hàng ngày, hàng tháng hoặc hàng năm
- Những KPI một công ty chọn để đo lường có thể thay đổi theo thời gian theo sự thay đổi của chiến lược kinh doanh
Khác với metric đơn giản, KPI là những chỉ số ảnh hưởng đến những quyết định kinh doanh. KPI giúp bạn biết liệu bạn có đang tiến tới những mục tiêu đã đề ra hay không, và bao nhiêu. Vì vậy, metric có thể ngay lập tức trở thành KPI khi bạn đặt chúng vào bối cảnh của ngành hàng, công ty, tổ chức, phòng ban và thêm vào mẫu số. Đó là lý do vì sao KPI thường được thể hiện dưới dạng phần trăm hoặc tỷ lệ, để thể hiện một người hoặc một thứ gì đó đang hoạt động hiệu quả ra sao. Hãy cùng đi qua những ví dụ minh họa dưới đây để hiểu rõ hơn.
Ví dụ minh họa từ metric trở thành KPI
Ví dụ 1: Số lượng tài khoản ngân hàng
Một ngân hàng sẽ tập trung vào số lượng tài khoản họ nắm giữ. Thế nhưng, đây vẫn là metric. Đây là các tài khoản mới hay cũ? Số lượng này đánh giá gì về hiệu suất của ngân hàng? Khi đó, một mẫu số được thêm vào để biến metric này trở thành KPI – “số tài khoản được mở/ một giao dịch viên/ mỗi chi nhánh mỗi tháng”
KPI cuối cùng là “Số lượng tài khoản ngân hàng được mở trên mỗi giao dịch viên mỗi chi nhánh mỗi tháng”. KPI này theo dõi năng suất của nhân viên chi nhánh, cụ thể hơn là ở bộ phận giao dịch viên, và có thể được sử dụng bởi các nhà quản lý chi nhánh ngân hàng để đo lường hiệu suất của nhân viên giao dịch. Sử dụng đúng KPI này có thể giúp các nhà quản lý đẩy mạnh đào tạo nhân viên hơn nữa. Họ cũng có thể sử dụng KPI để khích lệ tinh thần bằng cách cho nhân viên biết họ đang làm việc tốt như thế nào.
Ví dụ 2: Số lượng khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ
Dù có vẻ giống KPI của team marketing, nhưng đây vẫn là một metric, chưa đánh giá được gì về hiệu suất, hiệu quả công việc. Chỉ khi thêm những mẫu số cần thiết, metric này mới trở thành một KPI. Với mỗi mẫu khác nhau, ta có thể có một KPI khác nhau để đánh giá.
Ví dụ KPI: số lượng khách hàng đăng ký trên một tháng (đánh giá hiệu suất theo thời gian), số lượng khách hàng đăng ký trên một tháng trên một nhân sự (đánh giá hiệu suất theo nhân sự), số lượng khách hàng đăng ký trên một đồng đầu tư (đánh giá hiệu suất theo đầu tư) …
Phân biệt KPI và Metric giúp gì cho doanh nghiệp?
Nhiều quản lý và nhân viên gặp khó khăn trong việc phân biệt Metric (số liệu) với KPI (chỉ số hiệu suất). Chính điều này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi đặt mục tiêu mới hoặc ưu tiên các mục tiêu hiện có. Với lượng dữ liệu lớn có sẵn để theo dõi và giám sát hiện nay, ta rất dễ dàng rơi vào lầm tưởng rằng mọi thứ phải được đo lường. Trong thực tế, phần lớn các số liệu là “nhiễu”, tức không có giá trị hoặc không cần thiết. Việc phân biệt KPI và Metric giúp doanh nghiệp xác định đúng đâu là số liệu đáng để đo lường và ảnh hưởng lớn nhất đến kết quả kinh doanh.
Metric và KPI gần như nhau, nhưng điểm khác biệt chính là KPI được gắn với một chiến lược hoạt động cụ thể, vì vậy hãy chắc chắn rằng bạn đang theo dõi KPI chứ không phải metric thiếu bối cảnh, thiếu mẫu số và không cần thiết cho doanh nghiệp của bạn. Quay trở lại với ví dụ của metric “SEO Keyword Ranking” vs “organic search lead”, khi đã phân biệt được giữa KPI và metric, bạn sẽ biết đâu mới là KPI thực sự mình cần tập trung, cho dù những số liệu “nhiễu” xung quanh cũng có vẻ quan trọng.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ta phủ nhận tầm quan trọng của metric. Mối liên hệ giữa Metric và KPI rất đơn giản: Metric giúp tìm ra KPI, KPI củng cố cho các mục tiêu và kế hoạch chiến lược của doanh nghiệp. Sau đó, metric lại giúp củng cố cho KPI, như “SEO Keyword Ranking” càng cao sẽ giúp củng cố cho KPI “organic search lead” của bạn đang càng hiệu quả.
Tạm kết
Phân biệt rõ Metric/ KPI, chọn đúng KPI cần tập trung giữa “rừng” metric là chìa khóa giúp doanh nghiệp ưu tiên các mục tiêu và đạt được chúng.